Sản phẩm đồ chơi trẻ em cũng toàn chữ nước ngoài
Sản phẩm đồ chơi trẻ em cũng toàn chữ nước ngoài

Gần đến Tết nguyên Đán, lượng đồ chơi dành cho trẻ em lại đổ về các khu trung tâm, siêu thị ngày một nhiều. Các loại đồ chơi đều được nhập về theo nhiều con đường khác nhau, trong đó đồ chơi không rõ nguồn gốc hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất.

Mặt hàng đồ chơi mà trẻ em hay mua nhiều nhất là những túi mù, hộp mù, trò chơi lắp ghép, siêu nhân, robot biến hình, xe ô tô các loại.... Một số loại có chữ Trung Quốc trên bao bì hoặc in trực tiếp trên sản phẩm dòng chữ “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc), còn phần lớn là đồ chơi “trắng” thông tin khiến người tiêu dùng không thể biết nguồn gốc, xuất xứ.

Không có bất cứ dòng thông tin sản phẩm (tem nhãn phụ) nào bằng tiếng Việt trên sản phẩm
Không có bất cứ dòng thông tin sản phẩm (tem nhãn phụ) nào bằng tiếng Việt trên sản phẩm

Ghi nhận tại các cửa hàng cửa hàng Thu Quý có địa chỉ ở số 1 Quang Trung Hà Đông, số 142 Lê Lợi Hà Đông và số 167 Nguyễn Viết Xuân, quận Hà Đông, Hà Nội có thể thấy, những sản phẩm đồ chơi tại các cửa hàng này rất phong phú, đa dạng và bắt mắt. Khi chúng tôi hỏi mua đồ lắp ghép thì được một nhân viên bán hàng giới thiệu từng loại sản phẩm ứng với số tuổi của trẻ.

“Nếu trẻ nhà anh 6 tuổi thì mua với những hộp có ghi số tuổi ở ngoài. Bé nhỏ tuổi mà mua hộp nhiều chi tiết thì khó có thể lắp ghép được”, một nhân viên bán hàng của cửa hàng Thu Quý tư vấn.

Chuỗi hệ thống cửa hàng Thu Quý bày bán rất nhiều loại hàng hoá dành cho trẻ em nhưng đa phần bên ngoài vỏ hộp đều là chữ Trung Quốc
Chuỗi hệ thống cửa hàng Thu Quý bày bán rất nhiều loại hàng hoá dành cho trẻ em nhưng đa phần bên ngoài vỏ hộp đều là chữ Trung Quốc

Qua quan sát, rất khó có thể tìm thấy một món đồ chơi do Việt Nam sản xuất tại đây. Những sản phẩm bày bán đa phần bên ngoài vỏ hộp có chữ Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm đồ chơi tại đây đều không có tem hay nhãn phụ tiếng Việt theo quy định của pháp luật.

Các mặt hàng đồ chơi do Trung Quốc sản xuất có giá thành khá rẻ, phổ biến là các sản phẩm làm từ nhựa như bộ lego lắp các mô hình máy móc, xe ô tô, tàu bay, cửa hàng, thuyền chiến, bộ đồ nấu ăn, bác sỹ, bàn trang điểm, búp bê, siêu nhân… có giá từ 50.000 - 350.000 đồng/sản phẩm, tùy vào kích thước. Ngoài ra, các loại xe ô tô leo tường, phi thuyền, xe đua tốc độ, máy bay điều khiển từ xa… có giá thành cao hơn từ 100.000 đến 400.000 đồng/sản phẩm. 

Những loại đồ chơi không rõ xuất xứ hoặc xuất xứ Trung Quốc được làm từ nhựa tái chế.
Những loại đồ chơi không rõ xuất xứ hoặc xuất xứ Trung Quốc được làm từ nhựa tái chế.

Chị Trần Thị Hoa, nhà ở quận Hà Đông chia sẻ, gia đình nhà chị có 2 cậu con trai nên rất thích robot biến hình và xếp hình lego. Khi muốn mua cho con đồ chơi thì hầu như qua các cửa hàng đồ chơi, thấy có nhiều mẫu mã, mầu sắc hấp dẫn, giá phải chăng mặc dù biết đây đều là hàng Trung Quốc.

Mặc dù khá đa dạng các loại đồ chơi nhưng phần lớn nhiều cha mẹ lại không biết những loại đồ chơi không rõ xuất xứ hoặc xuất xứ Trung Quốc được làm từ nhựa tái chế. Ở nhiều nước, loại nhựa tái chế không được dùng để sản xuất ra sản phẩm dễ tiếp xúc với con người bởi nhựa đã qua sử dụng, nhất là những loại nhựa đựng hóa chất nói chung rất độc hại. Loại nhựa này đã tiếp xúc với những chất khác, khi đem vào sản xuất lại thường không được làm sạch nên trong quá trình nhựa hóa, các hóa chất đọng lại sẽ khuếch tán ra ngoài.

Chuỗi hệ thống cửa hàng Thu Quý có rất nhiều cơ sở tại quân Hà Động và đây là cơ sở có địa chỉ tại số 167 Nguyễn Viết Xuân, quận Hà Đông, Hà Nội
Cửa hàng Thu Quý có rất nhiều cơ sở tại quân Hà Động và đây là cơ sở có địa chỉ tại số 167 Nguyễn Viết Xuân, quận Hà Đông, Hà Nội

Nhựa phế phẩm khi muốn tái chế phải dùng đến chất phụ gia công nghiệp. Nguyên liệu từ tái chế đã không an toàn, nay còn thêm phụ gia khiến đồ chơi nhựa tái chế rất độc hại. Đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, đây là chất có thể gây ra ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của trẻ. Nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn là rất cao nếu trẻ ngậm, ôm đồ chơi. Sở dĩ, chất phthalate được sử dụng sản xuất đồ nhựa vì giá thành của nó rẻ gấp 10 lần so với sử dụng các chất thay thế khác. Để cạnh tranh giá nhiều doanh nghiệp đã sử dụng chất này để sản xuất đồ nhựa giảm giá thành.

Có thể thấy, việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn mặt hàng đồ chơi nhập lậu hiện nay vẫn còn rất nhiều “rào cản”, khó khăn từ nhiều phía. Chính vì thế, người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng cách thay đổi thói quen và nâng cao nhận thức trong nhận biết, tiêu dùng sản phẩm hàng hoá.   

Thiên Trường