Trước đó, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã mục sở thị tại cửa hàng bán đồ mẹ và bé Gia Phú Baby và ghi nhận thực trạng tại đây qua bài viết “Hệ thống mẹ và bé Gia Phú Baby: Bày bán hàng hoá nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt”.
Trong đó, phóng viên đã phản ánh đúng thực trạng tại hệ thống cửa hàng này bày bán. Có những mặt hàng có đủ thông tin theo đúng quy định về tem nhãn hàng hoá tại Việt Nam với các thông tin về nơi sản xuất, thành phần, chất liệu, hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản, lưu ý, đơn vị nhập khẩu và phân phối.
Tuy nhiên cũng có những mặt hàng nhập khẩu nước ngoài mà không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định. Điều này một mặt gây khó khăn cho người tiêu dùng khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm như cách sử dụng, cách bảo quản, đơn vị nhập khẩu, ngày sản xuất, hạn sử dụng… khi đối tượng sử dụng của các sản phẩm này là mẹ bầu, mẹ sau sinh và trẻ em; mặt khác, điều này là vi phạm quy định của pháp luật về tem nhãn hàng hoá.
Dưới đây là một số hình ảnh về sản phẩm nhập khẩu không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, vi phạm quy định về nhãn hàng hoá tại Gia Phú Baby:
Việc hàng hoá không tem nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán tại thị trường Việt Nam, giành cho đối tượng hết sức nhạy cảm là mẹ bầu và em bé khiến khách hàng vô cùng hoang mang lo sợ khi tìm hiểu và mua sản phẩm. Bởi ai cũng biết, đối tượng khách hàng mà cửa hàng này hướng đến rất cần được bảo vệ.
Bên cạnh đó, việc hàng hoá nhập khẩu không tem nhãn phụ còn vi phạm quy định về nhãn hàng hoá. Bởi theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ tới cửa Hệ thống mẹ và bé Gia Phú Baby. Người tiếp nhận thông tin xưng là Hằng – Quản lý cửa hàng cho biết gửi thông tin qua zalo và sẽ phản hồi lại sau.
Mặc dù phóng viên đề nghi có buổi làm việc trực tiếp giữa 2 cơ quan đơn vị để có thông tin chính thống về các mặt hàng bày bán tại cửa hàng, nhưng vị này chỉ phản hồi vài dòng qua zalo, mà không hề sắp xếp lịch làm việc với cơ quan báo chí để cung cấp thông tin.
Qua zalo, vị này nói: “Sản phẩm rửa bình Babyganics Gia Phú Baby không bán.
Sản phẩm bông Moby MomTruste do hãng kí gửi tại cửa hàng, giá thành cao nên không bán nữa, sẽ bỏ mã.
Hãng Idlong là hàng nhập khẩu chính hãng độc quyền, em không hiểu sao lại sai sót như thế này, bên em xem lại.
Sản phẩm bỉm Applecrumby Slim công ty nhập khẩu chính hãng, em không hiểu trong quá trình bán hàng tem có bay đi đâu không.
Burabi bên hãng họ trả lời dán ngoài thùng, nếu đại lý có nhu cầu dán từng bịch thì hãng sẽ dán từng bịch.
Đĩa ăn dặm cho trẻ Mom Trusted hãng có kí gửi mà ế quá nên em chuẩn bị bỏ mã”.
Cần phải biết rằng, vẫn còn nhiều mặt hàng sản phẩm nữa không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, phóng viên ghi nhận đã đăng tải hình ảnh trong bài viết và chưa đăng tải trong bài viết trước đó, thế nhưng Gia Phú Baby chỉ cung cấp một số thông tin ít ỏi qua zalo mà chưa phải là chính thống.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng chọn cách “im lặng” trước phản ánh của báo chí, liệu có điều gì “khó nói” hay chăng? Trước thực trạng này, dư luận rất mong đơn vị trực tiếp bày bán sản phẩm này, Gia Phú Baby cần có câu trả lời thoả đáng, tránh mọi rủi ro ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Rất cần các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và thị trường minh bạch.
Thu Trang