75% mỹ phẩm là giả và nhập lậu

Thông tin trên được bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty L’Oreal Việt Nam khẳng định tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”.

Hội thảo, do Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Expertise France cùng tổ chức tại TP.HCM vào tháng 3/2018.

Theo bà Trinh, vấn nạn hàng giả, hàng lậu mỹ phẩm tràn lan khiến thị trường hàng chính ngạch bị co cụm lại, gây thiệt hại vô cùng lớn cho doanh nghiệp, Nhà nước bị thất thu thuế và công tác chống hàng giả, hàng nhái gặp nhiều khó khăn.

Đại diện nhiều doanh nghiệp chỉ rõ các loại mỹ phẩm bị làm giả nhiều nhất là chuốt lông mi (mascara), bộ sản phẩm trang điểm mắt (3-in-1), bộ sản phẩm chăm sóc da, sáp vuốt tóc, thuốc nhuộm tóc, son, phấn mắt, nước hoa… Các doanh nghiệp phản ảnh mỹ phẩm giả được bán công khai và nhiều nhất tại TP.HCM là khu vực chợ Gò Vấp, chợ Kim Biên, các cửa hàng ở Q.5, Q.10… Giá bán các sản phẩm giả này tại chợ chỉ từ 20.000 - 120.000 đồng/sản phẩm. Tại các cửa hàng mỹ phẩm, giá từ 80.000 - 250.000 đồng/sản phẩm.

Đặc biệt, theo phản ánh của doanh nghiệp, nhiều loại mỹ phẩm của nước ngoài chưa hề được công bố cũng đã bày bán tại các chuỗi cửa hàng mỹ phẩm có tên tuổi ở Việt Nam, trên các kênh bán hàng online hoặc dưới mác mỹ phẩm xách tay. Nơi mà người mua chỉ biết chất lượng sản phẩm qua việc quảng cáo của người bán. Thậm chí, nhiều mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hay mỹ phẩm sắp hết hạn sử dụng.

Điều đáng nói ở đây là nhiều trường hợp do người tiêu dùng tham giá rẻ nên dễ bị lừa, nhưng ngay cả khi bỏ ra cả triệu đồng thì nhiều người mua vẫn phải sử dụng mỹ phẩm ‘dởm’.

Mỹ phẩm giả - hậu quả thật

Hóa mỹ phẩm giả, kém chất lượng thường len lỏi xuất hiện tại các điểm mua bán tạp hóa, các khu vực trong chợ, các khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn. Cá biệt, một số trường hợp còn xuất hiện tại các khu vực hội chợ, lễ hội…

Hình thức mua bán phổ biến và khó quản lý nhất hiện nay là tình trạng rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, có sự tham gia tiếp tay của nhiều người và rất dễ để thao tác thực hiện, từ đó vô tình tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, một kênh tiêu thụ hiệu quả cho mỹ phẩm giả, kém chất lượng. 

Theo PGS. TS. bác sỹ Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám Da liễu, Cơ sở 2 (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), gần đây lượng bệnh nhân đến khám vì dị ứng mỹ phẩm tăng nhanh. Đa phần họ đều có những triệu chứng như da bị phát ban mụn trứng cá, ửng đỏ, kích ứng, dị ứng, giãn mao mạch, sạm nám da… Một số trường hợp nhẹ thì khắc phục dễ và nhanh, nhưng trường hợp nặng phải điều trị rất lâu, có khi nguy hiểm đến tính mạng.

 Hiểm họa từ mỹ phẩm giả - Bài 2: Mỹ phẩm DỎM bủa vây - người tiêu dùng khó tránh - Hình 1

Những hậu quả do mỹ phẩm kém chất lượng gây ra cho người tiêu dùng

Do quá bị thu hút với mức giá hấp dẫn và vội vàng tin lời quảng cáo “đường mật” của chủ shop, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm online, mà chưa kiểm chứng chất lượng thực sự của nó, không ít chị em sẵn sàng đặt mua các sản phẩm này về dùng. Tuy nhiên, những mặt hàng này đều không mang lại hiệu quả như mong muốn và nhiều người trong số đó đã phải rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, hủy hoại nhan sắc.

Không ít trường hợp, do mua mỹ phẩm online không hóa đơn chứng từ nên khi xảy ra sự cố không biết khiếu kiện ai, công ty nào. Trên thực tế, rất dễ dàng bắt gặp những lời “bắt vạ”, vạch mặt, tố cáo của khách hàng khi mua nhầm hàng nhái, giả trên các trang mạng xã hội, diễn đàn làm đẹp…

Trả lời trên báo Người lao dộng, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho biết, số lượng các shop mỹ phẩm online ngày càng nhiều, nhưng những shop có đăng ký thương mại điện tử với Bộ Công thương thì rất ít, các cơ quan chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, xác minh về các shop này.

Đặc biệt, có nhiều fanpage lập ra chỉ để bán mỹ phẩm online, nhưng không hề cung cấp bất cứ thông tin về chủ sở hữu, số điện thoại và thông tin liên lạc, không có cả địa chỉ kinh doanh, tài khoản ngân hàng... khiến cho cơ quan chức năng rất khó quản lý.

Rất nhiều người bán mỹ phẩm online không đăng ký kinh doanh, không kê khai doanh thu, bán hàng không có hóa đơn, chứng từ... gây thất thu thuế và khó kiểm soát.

 Hải Nam - Trịnh Uyên