Để hiện thực hóa quy hoạch theo Quyết định 153/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kỹ sư Lê Đình Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị tỉnh Thanh Hóa đã có những chia sẻ về kinh nghiệm, cũng như quan điểm cá nhân với phóng viên.
Theo ông, lần đầu tiên ở Việt Nam có một loại quy hoạch và quy hoạch tỉnh, trong đó Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Đây chính là dạng quy hoạch tích hợp, bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Bởi lẽ, trước đây, đa phần các quy hoạch đều rời rạc, như quy hoạch về phát triển điện năng, về giao thông, thủy lợi...
Từ đó, mỗi “anh” một ý, gây tình trạng không thống nhất trong phát triển tổng thể. “Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” chính là sự tổng hợp biện chứng của tất cả các quy hoạch nhỏ, khắc phục được tình trạng không thống nhất, chồng chéo như lâu nay.
Cũng theo kỹ sư Lê Đình Nam - “Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng chính là sự cụ thể hóa Nghị quyết 58-NQ/TW 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên thực tế, Nghị quyết 58-NQ/TW chỉ là đường lối, là chủ trương, còn quy hoạch lần này đã chỉ rõ giải pháp thực hiện, nó điều hòa được các mối quan hệ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Xin nói thêm, kỹ sư Lê Đình Nam nguyên là Viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa, người từng có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình manh nha hình thành ý tưởng và xây dựng nội dung của bản quy hoạch tỉnh trước khi trình Bộ Xây dựng và Trung ương xem xét. Từ kinh nghiệm của mình, kỹ sư Lê Đình Nam cho rằng: Tuy quy hoạch tỉnh đã có nhưng không phải cứ thế mà thực hiện.
Tỉnh và các ngành còn phải triển khai nhiều quy hoạch khác để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh. Chẳng hạn, quy hoạch phát triển đô thị không nằm trong bản quy hoạch tỉnh, cần thực hiện riêng các quy hoạch sáp nhập huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa mà tỉnh đã thực hiện; rồi thực hiện quy hoạch đưa các huyện như Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thọ Xuân... thành thị xã trong tương lai. Các quy hoạch vùng huyện phải rõ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nhằm tạo cơ sở thực hiện.
Trả lời câu hỏi: Sau khi có quy hoạch tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh cần phải làm những gì để hiện thực hóa trong thực tiễn? Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa đưa ra hàng loạt nhiệm vụ. Đầu tiên là tỉnh phải lập các dự án đầu tư theo các danh mục và quy hoạch tỉnh đã xác định.
Phải cụ thể hóa được các dự án, nguồn kinh phí nào huy động, công nghệ và cách thức như thế nào để thực hiện chứ không phải lập nên cái tên hay nói chung chung. Mỗi đơn vị cấp huyện, các sở, ngành cấp tỉnh đều phải cụ thể hóa quy hoạch của ngành mình, huyện mình quản lý.
Chẳng hạn Sở Giao thông - Vận tải phải vạch cho từng giai đoạn là phát triển và sửa chữa bao nhiêu dự án đường, quy hoạch phát triển cảng nội địa, cảng quốc gia, công suất bốc dỡ như thế nào. Hay với ngành xây dựng, lâu nay vẫn nói chung chung rằng “Thanh Hóa là trung tâm vật liệu xây dựng xi măng của cả nước”, nay cần phải cụ thể số lượng nhà máy, công suất phù hợp nhu cầu xây dựng trong tỉnh, thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với các cấp chính quyền, phải xây dựng được các chỉ tiêu phát triển của mình, bởi trong quy hoạch chỉ là những chỉ tiêu chung chung. Như chỉ tiêu tăng trưởng, trong quy hoạch tỉnh còn chung chung, thì các địa phương trên cơ sở phân tích điều kiện thực tế, phải cụ thể hóa với dự báo tốc độ tăng trưởng cho từng giai đoạn. Tỉnh cũng phải giao nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể cho từng địa phương; đồng thời rà soát lại các cơ chế, chính sách để tránh chồng chéo, cản trở lẫn nhau phát triển.
Vấn đề trăn trở trong thực hiện quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn tới, với kỹ sư Lê Đình Nam chính là phát triển đô thị, đặc biệt là kinh tế đô thị. Theo ông, Thanh Hóa đang phát triển các đô thị theo diện rộng, còn yếu về “chất”.
Bởi theo Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thì hiện nay, tổng thu ngân sách quốc gia từ khu vực đô thị chiếm tới 75%, dự kiến đến năm 2025 là 80% và đến năm 2035 là 85%. Nhưng hiện nay, đô thị của Thanh Hóa còn chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng thu ngân sách so với trung bình chung cả nước. Ví như thị xã Bỉm Sơn với nguồn thuế thu được hằng năm có khi chưa đủ chi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kỹ sư Lê Đình Nam trăn trở:
“Sau khi quy hoạch tỉnh được duyệt và công bố, còn cả núi công việc cần phải làm chứ không tự nhiên mà hiện thực được nó vào thực tiễn. Theo tôi, những việc cần thiết nhất, nên giải quyết sớm nhất là thay đổi nhận thức đúng và đủ về quy hoạch, phải làm cho mọi người hiểu được vai trò, vị trí, nhiệm vụ của quy hoạch, biến nhận thức ấy thành động lực để thực hiện.
Bản thân tôi đã đi nhiều nơi trong tỉnh, nhiều cán bộ cấp huyện vẫn cho rằng quy hoạch và thực hiện là của cấp trên, khi nào được chỉ đạo sẽ thực hiện.
Trước mắt, cần phải khơi dậy được nhận thức và hành động từ cấp xã, thị trấn mới đến cấp huyện. Thực hiện quy hoạch muốn hiệu quả phải khơi dậy được sự chủ động từ cơ sở”.
Về vấn đề này, kỹ sư Nam ví von: Sự chủ động từ cấp cơ sở trong thực hiện quy hoạch cũng như gia đình có 5 người con, bố mẹ chỉ định hướng. Thành công trong cuộc sống của mỗi người con khác nhau lại phụ thuộc từ sự nỗ lực học tập, phấn đấu của từng người con.
"Một bản quy hoạch hơn 1.000 trang với 84 bản vẽ, tích hợp đầy đủ các quy hoạch ngành, địa phương chính là cơ sở định hướng để tỉnh Thanh Hóa phát triển bền vững. Mục tiêu đưa tỉnh Thanh Hóa thành 1 trong 4 tứ giác phát triển ở phía Bắc Tổ quốc là khả thi, cách làm chính là thực hiện quy hoạch tỉnh một cách hiệu quả nhất” - theo lời Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị tỉnh Thanh Hóa.
PV (Theo baothanhhoa.vn)