Công văn nêu rõ, ngay từ năm 1998, Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cùng với tỉnh Kiên Giang lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc. Năm 2001, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chấp nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này. Sau đó, Liên minh châu Âu đã công nhận và trao chứng nhận tên gọi xuất xứ “Nước mắm Phú Quốc”. Đó là việc làm cần thiết nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc.
Ảnh minh họa
Bộ Thủy sản (trước đây) cùng với các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, Hội nước mắm truyền thống Phú Quốc rất quan tâm đến vấn đề này nhằm tạo thương hiệu lớn về chỉ dẫn địa lý. Đây là việc làm cần thiết có tầm nhìn và rất đáng khích lệ; Tuy nhiên, để nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm, từ đó đến nay, cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành được những văn bản hướng dẫn kèm theo. Vì vậy, đối với mặt hàng nước mắm, tại Việt Nam đang còn một số tồn tại.
Cụ thể, hiện vẫn còn hai khái niệm không rõ ràng, thế nào là nước mắm truyền thống, thế nào là nước chấm? Về mặt pháp luật, bất cứ một tên gọi nào cũng phải có định nghĩa. Song cho đến nay, cả về mặt pháp lý và khoa học, không có sự phân biệt nước mắm truyền thống và công nghiệp và cũng không có tiêu chuẩn cho mỗi sản phẩm. Vậy, căn cứ vào đâu để đánh giá chất lượng sản phẩm?
Vấn đề kiểm tra chất lượng sản phẩm nước mắm truyền thống hay công nghiệp là rất cần thiết nhằm phát hiện sản phẩm nước mắm không đạt tiêu chuẩn để loại trừ những lô sản phẩm có thể bị nhiễm kim loại nặng và ô nhiễm do môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ngay trong cá cũng có những chất không phù hợp với sức khỏe của con người (thuốc kháng Histamin) trong cá thì tỷ lệ cho phép là bao nhiêu? tuy rằng tỷ lệ của chất này là rất nhỏ.
Từ những ý kiến trên, Hiệp hội chống Hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc kỹ khi soạn thảo Tiêu chuẩn quốc gia về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.
Đó là, cần hết sức khách quan đánh giá, nhìn nhận vấn đề để giữ được những sản phẩm truyền thống của đất nước;
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu mang đặc trưng chỉ dẫn địa lý Việt Nam - đây là các đặc điểm cần được khuyến khích khi xây dựng thương hiệu Việt Nam.
Cũng cần lưu ý nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng (kể cả nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp).
Tạo sân chơi bình đẳng, phù hợp giữa các sản phẩm có những đặc tính gần giống nhau.
Minh Anh