Tiếp theo Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, hôm nay (28/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Mở đầu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt (bản đầy đủ đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội) của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Báo cáo khẳng định tầm quan trọng của việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo đó, việc hoàn thiện thể chế được thực hiện khá đầy đủ, kịp thời hơn so với giai đoạn trước,thường xuyên tổng kết, kịp thời tháo gỡ các khó khăn; phạm vi điều chỉnh ngày càng rộng, bao phủ mọi lĩnh vực của nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế; công khai, minh bạch; chất lượng văn bản được nâng lên...
Theo đó, quy mô vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đều tăng. Năm 2016, tổng vốn chủ sở hữu của các DNNN là 1,398 triệu tỷ đồng, tăng 92,2% so với năm 2011, quy mô tổng tài sản là 3,053 triệu tỷ đồng, tăng 45,8% so với năm 2011. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN cầm chừng, hiệu suất sử dụng vốn chưa cao do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới trong giai đoạn 2011-2013. Từ giai đoạn 2014-2015, DNNN hoạt động hiệu quả hơn, nhưng tới 31/12/2016 vẫn còn DNNN kinh doanh thua lỗ.
Tổng hợp kết quả của 350 DNNN sau cổ phần hoá sau năm 2015 cho thấy, bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân người lao động tăng 33%... Tiền thu được từ cổ phần hoá được quản lý chặt chẽ, thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng của quốc gia theo quy định của luật pháp. Tuy nhiên, quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, cổ phần hoá DNNN vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục được khắc phục bằng việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật.
Công tác thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội về quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, một số điểm quy định chưa rõ ràng, chưa thống nhất, một số vấn đề lớn chưa được xử lý thấu đáo; tính ổn định, tính hệ thống còn hạn chế, nhiều văn bản thường xuyên sửa đổi, bổ sung; chính sách bổ nhiệm, giám sát người đứng đầu doanh nghiệp chưa chặt chẽ, doanh nghiệp đầu tư chưa hiệu quả dẫn đến tham nhũng, lãng phí...
Báo cáo cũng nêu bật các kết quả đã đạt được, chỉ ra những nguyên nhân tồn tại, hạn chế (chủ quan, khách quan), qua đó đề xuất các nhiệm vụ giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả việc quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới....
Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đánh giá công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được quan tâm tích cực. Tuy vậy, quá trình cổ phần hóa, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước chưa đảm bảo tiến độ và hiệu quả theo nghị quyết đề ra.
Việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản nhà nước, là nguồn lực rất quan trọng được quản lý sử dụng từng bước có kỷ cương chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, đây luôn là vấn đề nhức nhối, xảy ra nhiều vụ việc nổi cộm. Nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước buông lỏng quản lý để hoang, sử dụng sai mục đích nhiều khu đất có giá trị. Bán, cho thuê nhiều nhà đất công không đúng đối tượng, giá thành quá thấp gây thất thoát, lãng phí lớn. Bên cạnh đó là tình trạng định giá tài sản công không đúng trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Hoan Nguyễn