Tập trung nguồn lực để đầu tư chuẩn hóa và hiện đại hóa trường lớp
Sáp nhập, hợp nhất các trường học được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, bởi từ việc sáp nhập mạnh mẽ các trường học sẽ góp phần tạo thuận lợi trong việc quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Việc sắp xếp, thu gọn các điểm trường là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh ngành Giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực. Việc hợp nhất, sáp nhập các trường học có quy mô nhỏ trong cùng địa bàn góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm đầu mối quản lý, bớt chi ngân sách; tăng hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị; tránh việc đầu tư, tu sửa cơ sở vật chất một cách dàn trải trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn.
Thực hiện Quyết định số 5308/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc quy định, sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, để việc sắp xếp, sáp nhập các trường, điểm trường đạt hiệu quả, thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh, tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch sắp xếp việc làm đối với các cán bộ, giáo viên.
Tại huyện Hà Trung, nhằm thực hiện điều chỉnh, sắp xếp mạng lưới trường lớp, thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên, với mục tiêu giảm đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, tinh giản biên chế gắn với việc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng giáo dục, UBND huyện Hà Trung cũng đã ban hành Phương án số 352/PA-UBND, ngày 06/03/2020 giao cho ngành Giáo dục huyện phối hợp với các địa phương trên địa bàn rà soát, sắp xếp, sáp nhập thành công các trường tiểu học và THCS trên địa bàn.
Theo lộ trình sắp xếp đến năm 2025, tổng số trường học từ bậc mầm non đến bậc THCS trên địa bàn huyện Hà Trung là 65 trường, giảm 02 trường mầm non và 1 trường THCS so với năm 2021.
Quan điểm và mục tiêu của huyện Hà Trung là sắp xếp trường, lớp phải phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh cũng như thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Qua thời gian thực hiện, theo đánh giá của Phòng Giáo dục và Đào tạo Hà Trung, sau khi sáp nhập, các đơn vị đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó Trường THCS Yên Dương nằm trong top những trường có sự đổi mới căn bản, toàn diện.
Được biết, sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cũng như qua rà soát thực tế, cuối năm học 2019-2020, ngành giáo dục huyện Hà Trung đã tham mưu cho UBND huyện quyết định sáp nhập Trường THCS Hà Yên và Trường THCS Hà Dương lấy tên là Trường THCS Yên Dương. Việc sáp nhập khắc phục những hạn chế, bất cập của mạng lưới trường, lớp học, giảm điểm trường lẻ.
Ngay sau khi sáp nhập, nhà trường đã nhanh chóng cơ cấu lại tổ chức bộ máy, giáo viên được sắp xếp theo hướng hợp lý, sử dụng hiệu quả, chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn được nâng lên. Qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi thúc đẩy thầy và trò tích cực hơn trong giảng dạy, học tập và rèn luyện. Việc sáp nhập đã giúp nhà trường có sự chuyển biến rõ nét ở nhiều mặt, tạo niềm vui phấn khởi trong cán bộ, giáo viên, chính quyền, phụ huynh, học sinh khi chất lượng giáo dục được nâng cao hơn so với trước đây.
Nhà trường cũng đã từng bước xây dựng các phương án phù hợp, khai thác hiệu quả trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
Theo thầy giáo Tống Đức Như, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Dương cho biết: Trước đó, để thực hiện thành công việc sắp xếp, sáp nhập hai trường, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh, học sinh đã được quan tâm kịp thời. Nội bộ nhà trường đoàn kết, thầy, cô giáo cũng xác định được trách nhiệm và quyết tâm thực hiện hiệu quả chủ trương của tỉnh, huyện và ngành Giáo dục.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, cũng có không ít khó khăn, thách thức nhất là sau khi sáp nhập, công tác quản lý, điều hành, tổ chức triển khai các hoạt động dạy và học ở hai điểm trường cũng vất vả hơn, do quy mô của trường lớn, địa bàn rộng, điểm trường khoảng cách khá xa nhau, cùng với đó, cơ sở vật chất nhà trường cũng thuộc nhóm các trường khó khăn, xuống cấp nhất trong huyện.
Tuy nhiên, với nỗ lực lớn, thầy và trò trường THCS Yên Dương đã quyết tâm vượt qua khó khăn để nâng cao chất lượng dạy và học. Kết thúc năm học 2021 – 2022, chất lượng giáo dục của trường có sự chuyển biến rõ nét.
Theo đó, với quy mô 14 lớp học với 379 học sinh trên tổng số 27 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nên nhà trường có đủ cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; bảo đảm số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu, nhất là giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Mĩ thuật, Âm nhạc đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình quy định. Nhà trường đã tổ chức tốt việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí đối với các mô đun theo kế hoạch năm học 2021-2022 theo phương thức bồi dưỡng qua mạng, thường xuyên, liên tục, ngay tại trường; gắn nội dung bồi dưỡng thường xuyên với nội dung sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong trường.
Trong năm học, nhà trường cũng tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học theo hướng dẫn tại Công văn 217/HD-SGDĐT ngày 27/01/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo để điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế địa phương, đơn vị.
Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường và từng môn học theo hướng tinh giản và theo đúng hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD& ĐT, trong đó bảo đảm yêu cầu thực hiện nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nội dung còn lại phù hợp với tình huống phòng, chống dịch Covid- 19 tại địa phương.
Cùng với đó, nhà trường chú trọng việc khuyến khích tổ chức, thu hút học sinh tham gia các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể dục-thể thao trên cơ sở tự nguyện của nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và nội dung học tập của học sinh trung học; tăng cường giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy học sinh hứng thú học tập, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hoá thế giới. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến theo quy định đảm bảo chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực học sinh.
Về công tác tài chính và huy động các nguồn lực, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhà trường đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động 30 bộ máy tính và 70 bộ bàn ghế phục vụ cho học sinh học tập. Tham mưu cho chính quyền địa phương khởi công xây dựng 06 phòng học tại khu A và tu sửa lại toàn bộ các phòng học kiên cố đã cũ đồng thời tiếp thu nguyên trạng cơ sở vật chất trường Tiểu học Hà Yên để xây dựng trường chuẩn Quốc gia vào năm học 2022-2023.
Thời gian tới, nhà trường phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và Kiểm định chất lượng nhà trường trong năm học 2022-2023 đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Xây dựng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6,7 một cách linh hoạt chủ động và phù hợp với thực tiễn nhà trường. Tiếp tục tăng cường bồi dưỡng việc sử dụng công nghệ thông tin để chủ động thực hiện dạy trực tuyến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nâng cao chất lượng thi vào lớp 10 THPT. Nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh ở các cấp học, nhất là chất lượng thi vào lớp 10 THPT. Tăng cường giáo dục đạo đức, lý tưởng sống và niềm tự hào quê hương đối với học sinh. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên...
Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Trung: Với chủ trương “Không vội vàng, làm tới đâu chắc tới đó”, sau thời gian thực hiện sáp nhập tại trường THCS Yên Dương bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, bộ máy trường, lớp học đảm bảo tinh gọn, nhân sự dôi dư ở các trường sau khi sáp nhập được sắp xếp bổ sung cho các trường đang thiếu, đảm bảo theo đúng vị trí việc làm. Trường đã ổn định về đội ngũ, yên tâm công tác, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao; cơ sở vật chất đảm bảo, đủ điều kiện để hoạt động giáo dục ngay sau khi sáp nhập. Việc tổ chức kiện toàn, sáp nhập các trường học đã góp phần tinh giản số lượng đầu mối đơn vị, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên. Công tác chỉ đạo về chất lượng giáo dục được thống nhất và xuyên suốt trong cấp học.
Được biết, triển khai Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 08 của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy sau ba năm triển khai rà soát, sắp xếp, cả nước giảm 2.302 trường, tương đương 6,06% tổng số trường, trong đó: mầm non giảm 4,25%, tiểu học giảm 12,73%, THCS giảm 9,82%, THPT giảm 1,96%, trường phổ thông có nhiều cấp học tăng 88,64% (do sáp nhập để hình thành các trường liên cấp). Số điểm trường giảm 2.708 điểm trường, tương đương 6,65% số điểm trường hiện có. Giảm số lượng các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện từ 3 trung tâm/huyện xuống còn 1 trung tâm/huyện.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục đã tạo nên một diện mạo mới, tinh gọn và hiệu quả hơn. Tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao đã dần được khắc phục. Các điểm trường đã được dồn ghép, sáp nhập vào trường chính; nhiều trường có quy mô nhỏ được sáp nhập thành hệ thống các trường liên cấp có quy mô lớn hơn.
Nhờ đó, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được đầu tư tập trung, sử dụng hiệu quả hơn, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp, tinh giản bộ máy, giảm số lượng cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên phục vụ gián tiếp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tiến An