Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Iran trong năm 2023.
Đoàn giao thương gồm đại diện Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam và 14 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dược phẩm, vật liệu xây dựng, nông sản (gạo, hạt tiêu, hạt điều, quế, hồi, dừa), trái cấy sấy dẻo, cà phê, bánh kẹo, mỳ, trà...
Trong thời gian công tác, đoàn đã thực hiện các hoạt động: Nghiên cứu, khảo sát thị trường; làm việc với Phòng Thương mại, Công nghiệp và Mỏ Iran (ICCIMA); Bộ Công nghiệp, Thương mại và Mỏ Iran; Tổ chức Xúc tiến thương mại Iran (TPO); Hiệp hội xuất nhập khẩu và phân phối gạo Iran; Hiệp hội Dược phẩm Iran; một số công ty đầu mối nhập khẩu; tổ chức Diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu sang Iran; tham gia Triển lãm quốc tế Iran EXPO 2023 và một số hoạt động khác.
Tại buổi làm việc với các cơ quan hữu quan tại Iran (ông Mohsen Rezaeipour, Lãnh đạo Vụ Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran; ông Mousavi, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam - Iran; ông Khaispour, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, ICCIMA), hai bên đã trao đổi về chính sách thương mại và đầu tư, các lĩnh vực hợp tác, mặt hàng xuất nhập khẩu có nhiều tiềm năng, chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu; giới thiệu kết nối các đối tác xuất nhập khẩu, các cơ hội hợp tác đầu tư liên doanh, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược phẩm, thiết bị y tế, vắc xin.
Hai Bên cũng nhất trí trao đổi danh sách các doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín, sự cần thiết phải đa dạng hóa hàng hóa xuất nhập khẩu, khuyến khích doanh nghiệp hai bên chủ động hơn nữa trong tiếp xúc, trao đổi thông tin, tìm kiếm các cơ hội giao thương.
Đoàn giao thương cũng đã có buổi làm việc với doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu gạo, Hiệp hội Xuất nhập khẩu và cung ứng gạo Iran (IRESIA). Ông Mohammad Mokhtariani, Chủ tịch IRESIA cho biết, hiện nay, 50% lượng gạo nhập khẩu của Iran là từ Ấn Độ; 35% từ Pakistan, 5% từ Thái Lan và 10% còn lại từ một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Trước đây, Iran đã từng nhập khẩu gạo từ Việt Nam, hiện nay Iran đang mong muốn nối lại việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam, trước mắt là một số loại gạo như Thai homali, Jasmine, ST24.
Đại diện Lãnh đạo IRESIA cũng cho biết, phía Iran muốn tìm nguồn cung ứng gạo đảm bảo từ quốc gia khác, trong đó có Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ thị trường Ấn Độ.
Cũng trong khuôn khổ chương trình làm việc, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) đã phối hợp với phía Iran tổ chức Diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Iran giữa doanh nghiệp hai nước, thu hút đông đảo sự tham gia của doanh nghiệp Iran hoạt động trong nhiểu lĩnh vực đến gặp gỡ và trao đổi cơ hội hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam.
Sau phiên khai mạc, các doanh nghiệp đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp B2B. Các doanh nghiệp Iran mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm với các doanh nghiệp dược tại Việt Nam; đồng thời bày tỏ quan tâm tới các mặt hàng nông sản các loại, đặc biệt là gạo, hạt tiêu, hạt điều, quế, trái cây sấy dẻo, dừa tươi, thanh long… được trưng bày mẫu tại Diễn đàn. Một số doanh nghiệp đã trao đổi về giá cả, tiêu chuẩn chất lượng và các vấn đề liên quan khác để có thể tiến tới ký kết hợp đồng.
Cũng trong thời gian công tác tại Iran, đoàn giao thương đã đến thăm quan, làm việc, tiếp xúc với các doanh nghiệp Iran và quốc tế tại Triển lãm quốc tế Iran Expo – một trong những triển lãm đa ngành lớn nhất tại Iran. Tại Triển lãm, doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội gặp gỡ và giới thiệu các sản phẩm hàng mẫu, tiềm năng xuất khẩu của công ty mình tới các đối tác Iran, đối tác quốc tế.
Sau khi giới thiệu trực tiếp sản phẩm tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu hàng hóa sang Iran và tại Triển lãm Iran Expo, một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia đoàn đã bắt đầu trao đổi, thảo luận hợp đồng với đối tác Iran.
Minh Anh