Biển Đông và EU

Bà Paola Pampaloni, Quyền Vụ trưởng Vụ Châu Á và Thái Bình Dương, Cơ quan Đối ngoại EU (EEAS) đã phát biểu: Đối với Liên minh Châu Âu (EU), chủ nghĩa đa phương có ý nghĩa quan trọng, đặt trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương và cạnh tranh nước lớn có xu hướng ngày càng gia tăng.

Hội thảo quốc tế về Biển Đông. Ảnh quocte.vn.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông. Ảnh quocte.vn.

Bà Pampaloni nhấn mạnh: Chủ nghĩa đa phương vẫn tiếp tục là công cụ hiệu quả nhất trong quan hệ quốc tế, có lợi cho tất cả, để các nước có thể hợp tác với nhau để giải quyết tranh chấp và đạt được các mục tiêu chung. Chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế không thể bị tách rời; tham gia chủ nghĩa đa phương không thể là tiến trình có "lựa chọn".

EU có lợi ích chiến lược và kinh tế sống còn gắn liền với an ninh trên không gian biển và sự thịnh vượng của các quốc gia ven Biển Đông. Hoà bình, ổn định, hợp tác trên Biển Đông đóng vai trò quan trọng thiết yếu với EU. 

EU phản đối mạnh mẽ bất cứ hành vi nào làm gia tăng căng thẳng và làm suy yếu trật tự dựa trên luật lệ. Bà Pampaloni khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là “ngọn đèn dẫn đường”, “kim chỉ nam” định hướng cho giải quyết hoà bình các tranh chấp tại khu vực.

Bên cạnh đó, EU ủng hộ tiến trình đàm phán do ASEAN dẫn dắt nhằm hướng tới một bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý, trong đó COC phải tôn trọng lợi ích của bên thứ ba, phù hợp với luật pháp quốc tế. Bà tái khẳng định EU luôn ủng hộ chủ nghĩa đa phương hiệu quả và ủng hộ nguyên tắc vai trò trung tâm của ASEAN. EU đã và đang tăng cường hợp tác với ASEAN và các nước thành viên của ASEAN trong đó có Việt Nam, trong các lĩnh vực như nâng cao năng lực, tăng cường nhận thức không gian biển và tăng cường hiện diện trên biển; thông qua các chương trình, dự án cụ thể như: CRIMARIO, ESIWA...

Đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo

Hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao tiềm năng điện gió của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, và tài nguyên đất hiếm rất lớn - đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Ảnh tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Nhà máy điện gió trên Biển tại Bạc Liêu. Ảnh tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Có ý kiến khuyến nghị về việc khai thác đồng bộ năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo và chuyển đổi năng lượng truyền thống thành năng lượng xanh thông qua sử dụng công nghệ và khả năng tích trữ CO2.

Chuyên gia về năng lượng tái tạo thì chia sẻ bài học kinh nghiệm thu hút đầu tư điện gió ngoài khơi, cho rằng cần phải có khuôn khổ thể chế nhất quán, đáng tin cậy, giảm bớt thủ tục hành chính, rõ ràng và đơn giản, cập nhật thông tin và sự tham gia của người dân và nhấn mạnh, việc khai thác điện gió ngoài khơi cần chú ý quy định của UNCLOS 1982 liên quan đến khu vực an toàn 500 mét và các “biện pháp phù hợp” để bảo đảm an toàn giao thông hàng hải.

Một số ý kiến cho rằng thách thức của điện gió ngoài khơi không chỉ là về vấn đề an toàn giao thông hàng hải. Thế giới vẫn chưa đánh giá toàn diện và đầy đủ về các thách thức do các trạm điện gió ngoài khơi tạo ra với môi trường sinh thái và sự sống của động vật trên biển và dựa vào biển.

Các chuyên gia nhận định: Tài nguyên biển sâu ở khu vực ngoài vùng tài phán quốc gia là tài sản chung của nhân loại. Khai thác tài nguyên biển sâu không chỉ là vấn đề môi trường mà còn đang trở thành vấn đề địa chính trị trong cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn.

“Vai trò của Cảnh sát Biển trong tăng cường hợp tác ở Biển Đông”: Các học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các lực lượng Cảnh sát biển ở khu vực. Hầu hết các đại biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động “vùng xám”, một số hoạt động đơn phương của tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây.

PV (t/h)