Với mục tiêu thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử (TMĐT), ngày 28/2/2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác về TMĐT (Tổ 368) bao gồm đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và một số Cục Quản lý thị trường tại địa phương. Ngay sau khi được thành lập, Tổ 368 đã triển khai nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, trong đó nổi bật là việc kiểm tra đồng loạt Hệ thống Ansan Cosmetics, website kagawa.vn tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong cả năm 2019, lực lượng thanh tra chuyên ngành về TMĐT, cùng với lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra trên 2.400 vụ việc, xử lý trên 2.200 vụ việc vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, xử phạt trên 16,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 40 tỷ đồng.

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về TMĐT, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an trực tiếp tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính với các đối tượng vi phạm với tổng mức phạt 173 triệu đồng, trong đó nổi bật vụ xử phạt minhchay.com - Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới vì hành vi thiết lập website TMĐT không thông báo với Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật. Tổng mức xử phạt trong năm 2020 nói trên không bao gồm mức xử phạt mà Cục phối hợp với Tổng Cục Quản lý thị trường.

Nâng cao trách nhiệm các doanh nghiệp tham gia TMĐT

Trong năm 2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” với 15 doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch TMĐT, chuỗi bán lẻ và vận hành trang TMĐT có thị phần lớn trong thị trường TMĐT Việt Nam.

Năm 2020, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT rà soát, gỡ bỏ tổng số gần 223,6 nghìn gian hàng và hơn 1 triệu sản phẩm, qua đó đã xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm. Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chủ động đăng tải cảnh báo đến người dùng trên các phương tiện truyền thông về các hành vi lừa đảo, giả mạo khi thực hiện mua sắm, đặt hàng trên môi trường điện tử, các dấu hiệu, chiêu trò lừa đảo bán các sản phẩm, thiết bị y tế kém chất lượng như khẩu trang, nước rửa tay trên mạng xã hội.

Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT là địa chỉ tiếp nhận khiếu nại, tố cáo của người dân và là kênh đăng tải thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của website TMĐT từ năm 2013 đến nay.

Thương mại điện tử đang dần trở thành xu hướng tất yếuThương mại điện tử đang dần trở thành xu hướng tất yếu

Năm 2019, Bộ Công Thương mở rộng, nâng cấp Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT nói trên và khai trương “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử”, đảm bảo việc thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương với cộng đồng doanh nghiệp, và người dân. Thủ tục khiếu nại được thực hiện trực tuyến và miễn phí. Mục tiêu của Hệ thống nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong năm 2019, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý khoảng 2.099 lượt phản ánh trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT. Trong đó, bao gồm các hành vi vi phạm chính như: Không đăng ký, thông báo website; cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng; giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, Hệ thống nói trên đã tiếp nhận và giải quyết 122 phản ánh, khiếu nại của người dân. Hệ thống cũng là địa chỉ để Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kịp thời đăng tải thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng, người bán hàng trực tuyến về hàng giả, hàng nhái và các chiêu thức lừa đảo trên môi trường điện tử.

Ngày 26 tháng 8 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có các nội dung quy định các hành vi vi phạm về TMĐT cụ thể: Hành vi vi phạm về thiết lập website TMĐT hoặc ứng dụng TMĐT trên nền tảng di động (ứng dụng di động); hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website TMĐT hoặc ứng dụng di động; hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ TMĐT; hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động TMĐT; hành vi vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong TMĐT.

Hoàn thiện khung khổ pháp luật cho TMĐT

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về TMĐT là công cụ pháp lý quan trọng đối với TMĐT. Cho đến nay, sự phát triển của TMĐT phát sinh những vấn đề mới dẫn tới yêu cầu sửa đổi Nghị định 52, bao gồm:

Vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử. Hiện nay, các sàn giao dịch TMĐT là nơi tập trung phần lớn giao dịch TMĐT B2C và C2C, đồng thời cũng là nơi mà vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được phản ánh rõ nét nhất. Thực tiễn cho thấy mọi hoạt động từ xét duyệt thông tin người bán, đăng tải thông tin hàng hóa, giao dịch, thanh toán đều thông qua đơn vị vận hành sàn giao dịch TMĐT. Trong khi đó, nhiều sàn do có doanh thu từ việc thu phí giao dịch, đã thả lỏng việc xét duyệt hồ sơ của đối tượng tham gia sàn, dẫn đến hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng mà không có biện pháp kiểm soát; nhiều mặt hàng còn đăng tải bằng ngôn ngữ bản địa như tiếng Trung, tiếng Hàn... khiến người tiêu dùng lúng túng khi tiếp cận thông tin.

Hoạt động TMĐT trên mạng xã hội đang bùng nổ và khó kiểm soát. Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, cần có những yêu cầu cụ thể đối với đơn vị quản lý mạng xã hội có tính năng như sàn giao dịch thương mại điện tử trong văn bản ở mức Nghị định thay vì ở Thông tư như hiện nay.

Khó khăn trong quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài. Hiện nay, số lượng người bán nước ngoài trên các sàn TMĐT Việt Nam đang gia tăng về số lượng. Thực tiễn trên đang đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối trong TMĐT, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến.

Khó khăn trong việc quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm thuộc top 03 quốc gia đẫn đầu khu vực Đông Nam Á, TMĐT Việt Nam đang là lĩnh vực thu hút mạnh các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Thực tiễn cho thấy, hoạt động đầu tư được thực hiện chủ yếu thông qua đầu tư gián tiếp thông qua công ty con tại một quốc gia thứ ba, hoặc thông qua các hình thức hợp tác kinh doanh khác ngoài việc góp cổ phần. Với những nguồn đầu tư gián tiếp, việc định danh, quản lý và giám sát doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực TMĐT gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về các biện pháp giám sát nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài trên các hệ thống TMĐT do tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài nắm giữ, cũng như đảm bảo sự bình đẳng về quản lý giữa mô hình phân phối truyền thống và mô hình phân phối TMĐT.

Bộ Công Thương đã nghiên cứu, lập dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 và đã tổng hợp ý kiến ban soạn thảo về định hướng xây dựng nghị định. Nghị định dự kiến sẽ điều chỉnh những vấn đề lớn cùng quan điểm xây dựng như sau:

Tiếp tục khuyến khích TMĐT, xem xét bổ sung một số biện pháp quản lý với đối tượng mới (mạng xã hội, thương nhân có yếu tố nước ngoài);

Mở rộng đối tượng áp dụng, bao trùm cả thương nhân, tổ chức nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam nhưng phát sinh doanh thu từ TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam;

Quy định chặt chẽ hơn về những thông tin bắt buộc phải có khi bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT, tăng trách nhiệm của chủ sàn trong việc gỡ bỏ thông tin hàng hóa vi phạm; Bổ sung quy định riêng với mạng xã hội có hoạt động giao dịch TMĐT;

Sửa đổi, bổ sung theo hướng siết chặt quản lý như đối với thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam; Kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực TMĐT là phù hợp với thực tiễn hiện nay, đảm bảo an ninh quốc gia, cam kết quốc tế và Luật đầu tư (sửa đổi).

Anh Minh