Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay, Bộ Tài nguyên & Môi trường đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có nội dung về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu về tái chế và xử lý sản phẩm bao bì là chất thải. Quy định này sẽ có nhiều ảnh hưởng đến các tổ chức sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì thuộc danh mục các sản phẩm, bao bì phải được tái chế, gồm: sản phẩm điện, điện tử, pin, ắc quy, dầu, nhớt, săm, lốp, phương tiện giao thông, máy móc công trình và bao bì các loại…
Chính vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, tính khả thi của quy định, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan, việc tham vấn ý kiến của doanh nghiệp khi xây dựng Dự thảo Nghị định đóng vai trò quan trọng.
Tại hội thảo trực tuyến, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có nội dung về trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu về tái chế và xử lý sản phẩm, bao bì là chất thải quy định tại Điều 54 và Điều 55.
Nguyên tắc cơ bản của cơ chế EPR đã được Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra. Trong đó có những quy định yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ bắt buộc dựa vào khối lượng hoặc đơn vị bao bì đóng gói sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra thị trường và phải tuân thủ quy cách tái chế bắt buộc. Đối tượng của cơ chế EPR gồm những ngành hàng như: pin và ắc quy, điện và điện tử; săm lốp, dầu nhờn, ô tô và xe máy, bao bì. Và các nhà sản xuất có thể tự mình tổ chức thực hiện tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế chất thải.
“Những quy định cụ thể về cơ chế ERP đang được Bộ TN&MT xây dựng, hoàn thiện tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”, ông Phan Tuấn Hùng khẳng định.EPR được định nghĩa là một “cách tiếp cận dưới góc độ chính sách bảo vệ môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng tới tận giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó” (Hướng dẫn thực hiện Công ước Basel của Liên Hợp Quốc năm 2019).
EPR đối với bao bì là một công cụ chính sách đã được chứng minh, đã liên tục tiến triển từ cuối những năm 1980/1990 tại châu Á (ví dụ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) và Liên minh châu Âu (ví dụ: Pháp, Đức).B4 Cơ chế này cũng đang ở giai đoạn phát triển ban đầu ở một số nước có thu nhập trung bình (ví dụ: Ấn Độ, Indonesia, Jordan, Nam Phi) và thu nhập cao (ví dụ: Chile, Singapore) cũng như có thể được áp dụng cho tất cả các chất thải bao bì (nhựa, bìa cứng, thủy tinh, kim loại). Trong khi có một vài trường hợp tự nguyện thì cơ chế EPR thường mang tính bắt buộc và dựa trên một khung pháp lý. Tùy thuộc vào mỗi quốc gia và loại chất thải khác nhau mà có phương pháp kết hợp các yếu tố đặc thù để tạo ra cơ chế EPR đối với bao bì. Không có giải pháp chung cho tất cả.
Để xây dựng khung pháp lý cho một cơ chế EPR đối với bao bì sản phẩm hiệu quả, thời gian vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, hoàn thiện pháp lý.
Điều 90 dự thảo Nghị định quy định đối tượng và lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế, trong đó có danh mục sản phẩm, bao bì phải được tái chế, quy cách tái chế và lộ trình thực hiện được chia làm 6 nhóm gồm: Các sản phẩm nhóm A là sản phẩm điện – điện tử; Các sản phẩm nhóm B là ắc quy và pin các loại; Các sản phẩm nhóm C là dầu, nhớt các loại; Các sản phẩm nhóm D là săm, lốp các loại; Các sản phẩm nhóm E là phương tiện giao thông và máy móc công trình; Các sản phẩm nhóm G là bao bì các loại.
Đối với máy công trình xây dựng, giao thông (máy công trình các loại, xe công trình các loại) nằm trong các sản phẩm E (thứ tự số 35, 36 trong Phụ lục 52 về Danh mục sản phẩm, bao bì phải được tái chế, quy cách tái chế và lộ trình thực hiện), có lộ trình thực hiện từ 01/01/2025, có thể chọn các giải pháp như: Tháo dỡ an toàn, kiểm tra thu hồi các bộ phận cho tái sử dụng, phân riêng vật liệu và thu hồi kim loại, nhựa, thủy tinh, cao su dưới dạng phế liệu sử dụng được như nguyên liệu sản xuất của các ngành Công nghiệp; hoặc nghiền cắt toàn bộ xe, phân riêng vật liệu và thu hồi kim loại, nhựa, cao su dưới dạng phế liệu sử dụng được như nguyên liệu sản xuất của các ngành Công nghiệp;
Yêu cầu chung cho các giải pháp là thu hồi được trên 90% kim loại, 80% thủy tinh và 50% nhựa, cao su có trong một đơn vị sản phẩm dưới dạng bộ phận có thể tái sử dụng hoặc phế liệu sử dụng được như nguyên liệu sản xuất của các ngành Công nghiệp; Đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường (thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải và chất thải nguy hại phát sinh). Đồng thời, có giải pháp xử lý, tái chế một phần lượng chất thải nguy hại.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong xây dựng, thực hiện cơ chế EPR, ông Tiến sĩ Kim In Hwan, Cố vấn chính sách môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tại Hàn Quốc, cơ chế EPR được điều chỉnh bởi Đạo luật Khuyến khích Tiết kiệm và Tái chế tài nguyên (2002); Đạo luật Tài nguyên tuần hoàn của chất thải điện tử và các phương tiện giao thông (2007); Đạo luật Kiểm soát Chất thải. Và về nguyên tắc, EPR được hiểu là nhà sản xuất chịu hoàn toàn trách nhiệm trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm; Kiểm soát ô nhiễm và an toàn khi sử dụng kéo dài đến cuối vòng đời của sản phẩm.
“Cơ chế này đã được áp dụng thành công ở Hàn Quốc và một số quốc gia Châu Âu khác”, ông Kim In Hwan khẳng định.
Bà Nguyễn Hoàng Phượng, chuyên gia Tư vấn Chính sách và Pháp luật cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang gặp một số thách thức khi xây dựng cơ chế EPR, điển hình như: Cơ sở hạ tầng hạ tầng cho quản lý chất thải rắn không theo kịp với tốc độ phát sinh chất thải; Tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ và cơ sở sản xuat, kinh doanh quy mô nhỏ (hộ gia đı̀nh) rất lớn; Lượng phế liệu nhập khẩu lớn; Lượng sản phẩm đã qua sử dụng nhập khẩu lớn; Thương mại điện tử phát triển nhanh, bao gồm thương mại xuyên biên giới, dịch vụ vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng mà chi phí vận chuyển rẻ hơn trong nước, thậm chí trong cùng tỉnh Lực lượng lao động phi chính thức lớn…
“Vì vậy, khi xây dựng cơ chế EPR chúng ta cần cân nhắc và xác định rõ hơn nhà sản xuất, nhập khẩu có nghĩa vụ gì để đảm bảo người có quyền quyết định cao nhất mới có tác động cả đến thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi sản xuất. Hơn nữa, cần phân loại bao bì, đặc biệt là đối với bao bì dịch vụ - loại bao bì không chứa hàng hóa và chỉ được dùng để chuyển giao hàng hoá cho người tiêu dùng cuối cùng (thường là túi nylon hoặc thùng carton để đóng hàng hoá)….”, bà Hằng nói thêm.
Cũng tại hội thảo, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, hiện nay nếu thực hiện việc tự tái chế sản phẩm sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, sản xuất trong nước so với các doanh nghiệp nhập khẩu không có trách nhiệm tự tái chế. Việc tự tái chế giúp các doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm nhờ tăng được sản lượng gia công lốp ô tô đắp, phát triển thêm nhiều sản phẩm từ việc tận dụng các nguyên liệu sau tái chế; Hạn chế sản phẩm nhập khẩu do nhà nhập khẩu không thể thực hiện việc tự tái chế sản phẩm hoặc làm tăng thêm giá thành săm lốp nhập khẩu do phải nộp kinh phí vào Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế sản phẩm…
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Phan Tuấn Hùng khẳng định, đây là những tham vấn vô cùng giá trị, đơn vị soạn thảo Nghị định sẽ tiếp thu và có những chỉnh sửa phù hợp để đảm bảo tính hợp lý, tính khả thi của quy định.
Trúc Mai