Tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam thuộc địa phận thành phố Châu Đốc – tỉnh An Giang, là trung tâm du lịch hành hương nổi tiếng của tỉnh An Giang cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khu du lịch quốc gia Núi Sam là địa điểm du lịch văn hóa tâm linh tín ngưỡng với những truyền thuyết, huyền thoại dân gian ly kỳ, hấp dẫn, phong cảnh tự nhiên hữu tình và những kiến trúc độc đáo của các di tích trong Cụm di tích cấp quốc gia. Thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, cúng bái, cầu mong sức khỏe, bình an, việc làm ăn, kinh doanh được thuận lợi…

Khu du lịch Quốc gia Núi Sam
Khu du lịch Quốc gia Núi Sam (Ảnh: KT)

Theo Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Sam, từ ngày 10 - 13/2 (mùng 1 - 4 Tết Giáp Thìn), khu du lịch đã đón gần 200.000 lượt khách tham quan và hành hương.

Nhằm tạo điều kiện cho du khách tham quan và hành hương, Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Sam đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản trị Lăng Miếu núi Sam và chính quyền các địa phương trong việc đảm bảo an ninh, an toàn tại các địa điểm di tích, qua đó góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng hình ảnh du lịch An Giang an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Ở tỉnh Tiền Giang các điểm du lịch như: Bãi biển Gò Công (huyện Gò Công Đông), Trại rắn Đồng Tâm (huyện Châu Thành), Làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè), Cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), Cồn Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho)… cũng thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và vui chơi.

Từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 04 Tết, lượng khách du lịch đến tỉnh Tiền Giang tham quan tăng gấp 2, 3 lần so với ngày thường.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, từ ngày 07/02 đến 13/02/2024 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến mùng 04 Tết), Tiền Giang đón được 88.593 lượt khách du lịch, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, có 10.068 lượt khách quốc tế, tăng 121% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, bến tàu tại Trung tâm Phát triển Du lịch đã đón được 6.146 lượt khách, tăng 18% so cùng kỳ năm 2023; trong đó có 4.244 lượt khách quốc tế, tăng 186% so cùng kỳ năm 2023.

Nhằm quảng bá cho du lịch Tiền Giang, các tuyến, tour du lịch Tiền Giang cũng có sự kết hợp đa dạng với các loại hình du lịch sinh thái đặc trưng sông nước miệt vườn, cũng như các dịch vụ du lịch nhằm tạo ấn tượng tốt đối với du khách gần xa. Công tác an ninh, an toàn du lịch và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được các công ty du lịch chú trọng, nhằm phục vụ du khách được tốt hơn.

Theo Ông Võ Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian qua, Sở đã có các chuyến khảo sát để nắm tình hình hoạt động tại các điểm du lịch nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở. Ngành đã tập trung hỗ trợ các khu, điểm du lịch cải tạo môi trường, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng phục vụ.

Tại Tây Ninh, từ mùng 5 đến rằm tháng giêng tại Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen chương trình biểu diễn của Trung tâm Văn hóa tỉnh phục vụ du khách tham dự Hội Xuân Núi Bà Đen 2024 đã thu hút được lượng du khách khán giả đến xem và thưởng thức các tiết mục nghệ thuật.

Với hai chương trình nghệ thuật là ca múa nhạc và đờn ca tài tử cải lương được dàn dựng tâm huyết, giàu màu sắc với nội dung phong phú đã hấp dẫn du khách thưởng thức khám phá nét đẹp văn hóa Nam bộ, cảm nhận được nét đặc sắc của vùng đất Tây Ninh nhiều di sản văn hóa độc đáo.

Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen
Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen (Ảnh: KT)

Các tiết mục nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, quảng bá du lịch Tây Ninh với danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống: làng nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, làng nghề làm muối ớt Tây Ninh; Các ca khúc ca ngợi quê hương Tây Ninh: ca cổ Muối Tây Ninh, ca ra bộ Núi Bà Đen - Khu du lịch tâm linh, Tây Ninh tình xuân…

Cũng ngay từ đầu năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là tại các cơ sở lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm tham quan du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, nhất là các khu, điểm tham quan, du lịch có đông khách đến hành hương.

Không để xảy ra tình trạng làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của tỉnh nhà; tăng cường đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông (kể cả đường bộ và đường thủy).

Thực hiện nghiêm túc việc thông báo công khai và niêm yết số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của du khách và người dân có liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn tại các khu, điểm tham quan, du lịch.

Du khách hành hương tại Quán Âm Phật Đài
Du khách hành hương tại Quán Âm Phật Đài (Ảnh: KT)

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 29 đến hết Mùng 5 Tết), du khách trong nước và quốc tế đến Bạc Liêu tham quan, lưu trú tăng đáng kể. Cụ thể, lượng khách du lịch đến Bạc Liêu khoảng 245.000 lượt (bao gồm cả khách du lịch nội tỉnh), tăng 11,7% so với năm 2023; trong đó, có khoảng 21.500 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú; khách quốc tế khoảng 5.800 lượt (bao gồm cả Việt kiều về quê ăn Tết).

Tổng thu dịch vụ du lịch khoảng 125 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2023; trong đó, thu từ khối dịch vụ nhà hàng - khách sạn - cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt khoảng 62 tỷ đồng. 

Ngoài ra, du khách tập trung ở các khu, điểm tham quan vui xuân như: Khu Quán âm Phật đài; khu Biển nhân tạo và khu vui chơi thuộc Khu Du lịch Nhà Mát; nhà thờ Tắc Sậy; chùa Hưng Thiện; Quảng trường Hùng Vương; Điện gió Hoà Bình 1; Khu nhà Công tử Bạc Liêu.

Tuấn Dũng