Giàu bản sắc dân tộc
Hội hát Sloong hao và Phiên chợ xuân vùng cao huyện Lục Ngạn được khôi phục, nâng cấp dựa trên nguyên gốc của phiên chợ Thác Lười xưa, người dân thường gọi đó là “chợ tình Thác Lười”. Điểm độc đáo của phiên chợ là người dân đến đây không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn để hẹn hò, tìm bạn.
Khi đi, ai cũng chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, có tâm hồn vui tươi của ngày xuân, tạo nên ngày hội của đồng bảo các dân tộc vùng cao. Cả phố núi nhuộm màu xanh của áo chàm hòa với màu xanh của núi rừng.
Đi chợ phiên vào ngày này không chỉ để mua bán, trao đổi mà còn là cơ hội cho đôi lứa gặp gỡ, tâm tình, khoe tài, đua sắc. Đồng bào tập trung thành từng nhóm, từng đôi hát đối đáp chào hỏi, làm quen, tìm hiểu, hẹn hò, cứ như vậy, họ hát cả ngày, cả đêm, biết bao đôi trai gái đã gặp nhau và nên vợ thành chồng.
Theo Ban tổ chức, ngày hội năm nay được tổ chức quy mô cấp huyện, diễn ra từ ngày 20/2 đến hết 23/2 (tức từ ngày 11 đến hết 14 tháng Giêng) trên địa bàn hai xã vùng cao Tân Sơn và Phong Vân.
Qua đây, địa phương kỳ vọng sẽ tạo không gian văn hóa, du lịch, kết nối với không gian “Văn hóa - Du lịch Tây Yên Tử". Đồng thời bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, loại hình văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, đây còn là dịp để địa phương giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc và hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch có thế mạnh”.
Ngày hội gồm nhiều nội dung phong phú, trong đó điểm nhấn là các phần giao lưu câu lạc bộ hát dân ca các dân tộc (hát đối đáp, trình diễn điệu múa, trình tấu nhạc cụ). Các trò chơi dân gian như: Bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố, nhảy dây, cướp cờ, bịt mắt bắt lợn, chọi dê... Ngoài ra, tại đây sẽ tái hiện không gian phiên chợ quê truyền thống với sự tham gia của các xã: Tân Sơn, Phong Vân, Cấm Sơn, Phong Minh, Sa Lý, Hộ Đáp, Sơn Hải, Kim Sơn, Phú Nhuận, Đèo Gia, Biên Sơn.
Nhiều điểm ấn tượng
Ông Chu Văn Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Thông qua ngày hội nhằm giáo dục truyền thống, ý thức, trách nhiệm và niềm tự hào của người dân về văn hóa dân tộc mình. Điểm mới ngày hội năm nay là huyện sẽ tổ chức không gian trưng bày các sản phẩm văn hóa tại nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng bản Bắc Hoa để giới thiệu tới du khách. Thay vì thi hát dân ca các dân tộc, năm nay sẽ tổ chức giao lưu hát dân ca các dân tộc với thời gian dài hơn để thu hút nhiều câu lạc bộ và đồng bào tham gia.
Phần tái hiện không gian phiên chợ quê truyền thống được bố trí theo phong cách thôn quê mộc mạc, thân quen, ấm cúng và mang đặc trưng văn hóa dân gian vùng cao. Những sản phẩm bày bán tại phiên chợ như: Trang phục dân tộc, đồ lưu niệm, hàng thủ công, sản phẩm ẩm thực truyền thống (các loại bánh, khâu nhục, cá hồ Cấm Sơn, thịt trâu gác bếp và dược liệu, trái cây, giống cây trồng)...
Một trong những điểm mới nữa là sẽ chuyển từ thi ẩm thực sang tổ chức giao lưu văn hóa ẩm thực để người dân, du khách có cơ hội trải nghiệm và tự tay làm những món ăn đặc sắc. Đó cũng là dịp để huyện Lục Ngạn quảng bá, lan tỏa những món ăn truyền thống mang hương vị độc đáo.
Quyết tâm tổ chức thành công sự kiện này, huyện Lục Ngạn đã và thực hiện nhiều nội dung như: Xây dựng kế hoạch, triển khai đến các cơ quan, đơn vị và từng xã, thị trấn; thành lập ban tổ chức, các tiểu ban giúp việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên.
Ban tổ chức đã xây dựng các phương án tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, điểm trông giữ phương tiện, vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền về Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2024 của tỉnh nói chung, ngày hội nói riêng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến các tầng lớp nhân dân…
Với sự quan tâm, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện, đến nay cơ bản các nội dung, chương trình ngày hội đã được chuẩn bị sẵn sàng, chu đáo và hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia.
Bá Đoàn