Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) toàn quốc – 2023 do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Tham dự Hội nghị có các ông: Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Lâm Hải Giang, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; các Thư trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, Nguyễn Hoàng Giang; cùng gần 500 đại biểu là lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ KH&CN; Giám đốc, chuyên viên Sở KH&CN 54 tỉnh, thành phố trong cả nươc.
Theo Ban tổ chức, mục đích của Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc – 2023 là nhằm triển khai nhiệm vụ trọng tâm về KH&CN năm 2023, định hướng công tác năm 2024 và những năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ KH&CN, ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết: Năm 2022, trong bối cảnh thế giới có nhiều thách thức, tình hình an ninh chính trị, kinh tế- xã hội thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ thế giới; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn đang còn và đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống ở hầu hết các địa phương trong cả nước.
Nhưng, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp nên kinh tế của nước ta vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao, GDP năm 2022 tăng 8,02%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 732,5 tỷ USD; xuất siêu 11,2 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD và trở thành một trong 20 nước đứng đầu thế giới về thương mại, GDP bình quân đầu người ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45%.
Trong bảng xếp hạng GII 2022, Việt Nam xếp thứ 48/132, đứng thứ hai trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ ba khu vực Đông Nam Á. Kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước có sự phát triển rất tích cực.
Trong kết quả chung đó có sự đóng góp rất tích cực của ngành KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN ở các địa phương nói riêng. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ KH&CN và các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành các văn bản để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; các cơ chế, chính sách được triển khai, vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn xác định doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST); tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương; tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN phục vụ tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia. KH&CN đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, ngành KH&CN cả nước nói chung và đặc biệt là hoạt động KH&CN ở địa phương nói riêng cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhiều việc phải làm và phải làm quyết liệt hơn nữa, thực chất hơn nữa để KH&CN thực sự có những đóng góp trực tiếp phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương.
Đồng thời, ông Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: Năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, là năm tăng tốc triển khai kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025. Đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Trong các Nghị quyết này, nội hàm về KH-CN&ĐMST được đề cập đến rất nhiều, xác định KH-CN&ĐMST là giải pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; Đồng thời ở cả trong hai Nghị quyết đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH&CN nói riêng và ngành KH&CN nói chung rất nhiều nhiệm vụ phải tập trung triển khai thực hiện.
Chính vì vậy, Hội nghị Giám đốc các Sở KH&CN lần này, Bộ KH&CN sẽ cùng với các Sở KH&CN tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề trọng tâm:
Tập trung tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động KH-CN&ĐMST năm 2022, trong đó đánh giá những kết quả nổi bật, có tác động tích cực đến phát triển của các ngành lĩnh vực, tổng kết, đánh giá những thuân lợi, khó khăn vướng mắc, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương cũng như để xuất các giải pháp phát triển KH-CN&ĐMST ở từng địa phương, từng vùng và trên phạm vi quốc gia.
Trao đổi thảo luận hướng dẫn xây dựng kế hoạch KH-CN&ĐMST năm 2024; Tập trung khơi thông các nguồn lực để phát triển KH&CN; triển khai những nội dung liên quan đến xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (GII cấp tỉnh); các hoạt động nghiên cứu KH-CN&ĐMST tại các địa phương hướng tới chuyển đổi số; Triển khai Chiến lược KH-CN&ĐMST giai đoạn 2021 – 2030, Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia giai đoạn 2021 – 2030; Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất,.. đây là những vấn đề quan trọng, rất mong các đồng chí tập trung thảo luận để cùng thống nhất trong hành động.
Thảo luận luận các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư cho KH&CN; hoạt động của các đơn vị sự nghiệp lĩnh vực KH-CN&ĐMST hiệu lực, hiệu quả.
Thay mặt UBND tỉnh Bình Định, ông Lâm Hải Giang cảm ơn Bộ KH&CN đã chọn Bình Định để tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm 2023, đồng thời giới thiệu một số nét chủ yếu về vị thế, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội và lĩnh vực KH&CN của tỉnh Bình Định nói riêng.
Ông Lâm Hải Giang cho biết: Trong thời gian vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định đã rất chú trọng đến phát triển KH-CN&ĐMST trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh đã ban hành các Chương trình hành động về phát triển KH&CN của tỉnh giai đoạn 2016-2020, 2020-2025 với mục tiêu Phát triển KH-CN&ĐMST, tạo nền tảng phát triển nhanh, bền vững, đưa KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Qua đó, đã có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng công nghệ được đưa vào sản xuất như đánh bắt, chế biến thủy hải sản; sản xuất gà giống, tôm giống; sản xuất cây giống nông, lâm nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo; chuyển đổi số... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả một số cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hóa, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2022 khoảng 41,95%. Góp phần đưa tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh tăng 8,57% cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Đồng thời, các đại biểu dự Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc – 2023 còn được nghe hàng chục báo cáo, tham luận của các nhà quản ly, chuyên gia KH&CN và lãnh đạo các Sở KH&CN... Tiêu biểu trong số này là các báo cáo, tham luận: “Kết quả hoạt động KH-CN&ĐMAT ở các địa phương năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023”; “Một số nội dung trọng tâm triển khai kế hoạch KH&CN năm 2023 và xây dựng kế hoạch KH&CN năm 2024”; “Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành KH&CN”; “Giới thiệu bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương”...
Đáng lưu ý, cũng trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc – 2023, Ban Tổ chức còn giới thiệu các gian hàng trưng bày những đặc sản và sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành. Trong đó có nhiều sản phẩm chất lượng nhờ sự hỗ trợ đắc lực của KH&CN.
Viết Hiền