Tới tham dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí đại diện cho Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Sở hữu trí tuệ, đại diện các Sở, ngành của tỉnh Hưng Yên và các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn và đông đảo người dân sản xuất, chế biến sản phẩm nhãn lồng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi về các yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản đối với quả nhãn, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá về hiện trạng sản xuất và kiểm dịch thực vật đối với cây nhãn của tỉnh Hưng Yên, khẳng định nhãn lồng Hưng Yên đã được cấp mã số vùng trồng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu không chỉ thị trường Nhật Bản mà còn có thể xuất khẩu sang nhiều trị trường tiềm năng khác.
Là một trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam, Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, là vùng đất có truyền thống văn hiến từ lâu đời. Hưng Yên nổi tiếng với câu thơ “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta đã tạo nên Hưng Yên thành vùng đất thiêng, nơi phát tích của nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Trải qua quá trình lịch sử, các thế hệ tiền nhân xưa đã để lại trên đất Hưng Yên hàng nghìn di tích có giá trị, minh chứng cho một thời kỳ thịnh vượng của Phố Hiến - Hưng Yên.
Trong số rất nhiều các sản vật của tỉnh Hưng Yên, nhãn lồng là thức quả gắn liền với tên gọi của tỉnh. Từ thời phong kiến, nhãn lồng đã được dùng để dâng lên vua, chúa, nên còn được gọi là “nhãn lồng tiến vua”.
Diện tích trồng nhãn của tỉnh Hưng Yên hiện nay đạt trên 4.600 ha, phân bố ở tất cả các đơn vị hành chính của tỉnh, trong đó các địa phương có diện tích trồng nhãn nhiều là huyện Khoái Châu (khoảng 1.700 ha), thành phố Hưng Yên (khoảng 1.100 ha), huyện Tiên Lữ (trên 500 ha), huyện Phù Cừ, Kim Động, Ân Thi (trên 400 ha). Sản lượng nhãn toàn tỉnh hàng năm đạt trên 46 nghìn tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước và đã có sản phẩm xuất khẩu.
Nhãn lồng Hưng Yên có một số giống chủ lực như nhãn đường phèn, nhãn hương chi, nhãn phố Hiến, nhãn chín muộn, nhãn T5, T6… Cho dù là giống nhãn nào, thì nhãn lồng Hưng Yên vẫn có mẫu mã và chất lượng khác biệt so với nhãn của các địa phương khác, tính đặc thù của sản phẩm có thể nhận thấy bằng mắt thường.
Cây nhãn và quả nhãn lồng Hưng Yên đóng vai trò là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, do đó vùng trồng nhãn của Hưng Yên luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Trong 5 năm từ 2016 tới 2020, diện tích trồng nhãn của tỉnh Hưng Yên đã tăng từ 3.554 ha lên 4.665 ha. Với mục tiêu phát triển theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, đạt năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2025, trong đó nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025, dự kiến diện tích trồng nhãn của cả tỉnh tối đa không quá 5.000 ha.
Ở chùa Hiến có cây nhãn cổ thụ, dân trong vùng gọi là cây nhãn tổ, được xem là tiêu biểu của địa phương. Cây nhãn này đã được dựng bia ghi danh. Dân gian tương truyền xưa kia có vị quan đi tuần ngang qua vào đúng mùa nhãn chín. Ngài ăn thử thấy hương thơm, vị ngọt ngấm vào từng thớ thịt đến độ mê mẩn tâm hồn. Biết đây là sản vật quý, ngài liền đem tiến vua. Tin đồn nhãn lồng Hưng Yên từ đó bay xa khắp kinh thành. Những năm sau, cứ vào đầu thu, người dân lại đem nhãn tiến vua, từ đó nhãn lồng còn được gọi tên khác là nhãn tiến vua. Thứ sản vật quý ấy nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trở thành loại hàng hóa đặc biệt theo chân các nhà thương lái đến xứ sở mặt trời mọc Nhật Bản với số lượng lớn ở thế kỷ XVI - XVII.
Ghi nhận uy tín và danh tiếng của sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên, năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho sản phẩm nhãn lồng của tỉnh, khẳng định tính chất đặc thù và sự khác biệt của nhãn lồng nơi đây với sản phẩm nhãn của các địa phương khác. Theo chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ, nhãn lồng Hưng Yên có quả hình tròn, vỏ màu nâu sẫm, tỷ lệ phần ăn được từ 64 đến 69%. Cùi quả màu trắng trong, dày trên 4 mm, vị ngọt đậm, mùi thơm mát đặc trưng. Quả nhãn lồng Hưng Yên có hàm lượng vitamin C cao, hàm lượng nước và hàm lượng đường tổng số ở mức khá. Những yếu tố đặc thù về chất lượng trên được tạo ra bởi điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của mảnh đất Hưng Yên và quy trình kỹ thuật chăm sóc đặc biệt của người dân Hưng Yên.
Nhiều thế hệ, nhiều năm gắn bó với cây nhãn, người dân Hưng Yên đã có những sáng tạo và giải pháp kỹ thuật cho những sản phẩm có liên quan đến nhãn lồng. Mùa nhãn ra hoa, Hưng Yên có sản phẩm mật ong hoa nhãn ngọt ngào, thơm mát. Mùa nhãn chính vụ, người dân làm long nhãn để bảo quản và làm quà tặng, làm nhãn sấy khô để bảo quản được lâu hơn. Tỉnh Hưng Yên cũng đã rải vụ nhãn thành các trà chín sớm, chín chính vụ và chín muộn. Cây nhãn lồng đã trở thành một phần cuộc sống của người dân Hưng Yên, mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân.
Hưng Yên hiện có 29 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đi các thị trường lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc… Các vùng trồng nhãn của tỉnh Hưng Yên đã và đang sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn và kiểm dịch thực vật.
Người dân Hưng Yên luôn tích cực áp dụng khoa học và công nghệ vào quá trình sản xuất, sơ chế và bảo quản sản phẩm nhãn lồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm để cung cấp ra thị trường sản phẩm nhãn lồng sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với sản phẩm sẵn sàng cho xuất khẩu, tỉnh đã có sự chuẩn bị về mã số vùng trồng, kiểm dịch thực vật và sẵn sàng áp dụng công nghệ xử lý lạnh để đáp ứng yêu cầu các quốc gia nhập khẩu.
Tỉnh Hưng Yên hiện nay có 2 vùng trồng nhãn lồng xuất khẩu đi Nhật Bản, với tổng diện tích 27,2 hecta, gồm các giống nhãn đặc trưng của địa phương, đã được Nhật Bản cấp mã PUC, có sản lượng bình quân hàng năm đạt 360 tấn nhãn lồng, đáp ứng sẵn sàng các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Với sự đầu tư, chuẩn bị kỹ càng của chính quyền và người dân tỉnh Hưng Yên, sản phẩm nhãn lồng của tỉnh sẽ ngày càng bay xa, mang tinh hoa của đất và người Hưng Yên đến với bạn bè trong nước và quốc tế, mang lại màu xanh trù phú trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Anh Tuấn