Hưng Yên được ví như “thủ đô” của cây nhãn và nhãn lồng Hưng Yên là “vua” của loài nhãn. Nhãn lồng Hưng Yên không chỉ là món quà dân dã, giản dị, mang hương vị của trời, của đất, của tình người mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân ở Hưng Yên. Nhãn lồng Hưng Yên còn là sản phẩm du lịch độc đáo mang lại thu nhập chính giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Nằm bên dòng sông Hồng êm đềm thơ mộng, Hưng Yên từ lâu đã được nhiều du khách biết đến với sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên - thứ sản vật thơm ngon nức tiếng.
Nhãn lồng Hưng Yên – Đặc sản tiến vua
Ở chùa Hiến, tỉnh Hưng Yên có cây nhãn cổ thụ, dân trong vùng gọi là cây nhãn tổ, được xem là tiêu biểu của địa phương, cây nhãn này đã được dựng bia ghi danh.
Dân gian tương truyền, xưa kia có vị quan đi tuần ngang qua vào đúng mùa nhãn chín, ngài bèn ăn thử thì thấy hương thơm, vị ngọt ngấm vào từng thớ thịt đến độ mê mẩn tâm hồn.
Biết đây là sản vật quý, ngài liền đem tiến vua, tin đồn nhãn lồng Hưng Yên từ đó bay xa khắp kinh thành. Những năm sau, cứ vào đầu thu, người dân lại đem nhãn tiến vua, từ đó nhãn lồng còn được gọi tên khác là nhãn tiến vua. Nhà bác học Lê Quý Đôn ăn nhãn tiến vua đã mô tả “mỗi lần bỏ vào miệng thì ngập tận chân răng, lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.
Không chỉ là thức quà quê
Nhãn lồng Hưng Yên là loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao và là vị thuốc nam lâu đời giúp tăng cường sức khỏe, phòng ngừa và chữa trị các chứng bệnh về thần kinh, tim mạch, kéo dài tuổi thọ, nam khoa và chống ung thư, làm mỹ phẩm.
Theo truyền thuyết, xa xưa ở chùa Hiến thuộc tỉnh Hưng Yên, có một cây nhãn xum xuê cành lá, năm nào cũng sai quả, mã đẹp khác thường, được người dân gọi là nhãn tổ. Một ngày nọ, có một vị quan đi tuần ngang qua vào đúng mùa nhãn chín. Ngài ăn thử, thấy hương thơm, vị ngọt biết đây là sản vật quý liền mang về dâng vua.
Từ đó, nhãn lồng đã được coi là đặc sản và trở thành một trong mười hai lễ vật tiến vua thời bấy giờ. Người dân từ khắp mọi nơi cũng bắt đầu đổ về Hưng Yên để mong có thể được thưởng thức một lần thứ quả được gọi là “vương giả chi quả”.
Trái nhãn lồng tiếp tục trở thành loại hàng hóa đặc biệt theo chân các thương lái đi ra nước ngoài, đặc biệt là được người dân Nhật Bản cực kỳ ưa chuộng vào thế kỷ XVI-XVII.
Theo thời gian, do điều kiện đất đai và khí hậu hiện nay đã biến đổi nhiều, nên giống nhãn lồng không còn được năng suất như xưa. Bên cạnh đó, người nông dân cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất mùa và bị cạnh tranh, ảnh hưởng đến sự duy trì giống quả về sau. Nhận thức rõ điều này, Hưng Yên bắt đầu triển khai nhiều dự án nhằm bảo tồn, đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị vùng trồng nhãn tỉnh Hưng Yên, tạo ra những đột phá trong việc khai thác giá trị tiềm năng của cây nhãn lồng.
Hiện tại, nhãn lồng Hưng Yên đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nghiêm ngặt, điển hình là việc không sử dụng các hóa chất độc hại trong danh mục cấm, dùng phân hữu cơ và vô cơ được cân bằng các chất dinh dưỡng… nhằm thỏa mãn các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường quốc tế. Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, năm nay, thời tiết thuận lợi nên nhãn sai hoa, tỷ lệ đậu quả cao, sản lượng dự kiến sẽ tăng 30% so với năm 2017.
Hiện nay, đã có nhiều giống nhãn mới được trồng tại Hưng Yên, nhưng nhãn lồng Hưng Yên vẫn được khách sành ăn ưa chuộng nhất. Nó đã trở thành thương hiệu độc quyền, mang nét đặc trưng và là niềm tự hào của những người con Hưng Yên. Luôn tự hào là cầu nối văn hóa và du lịch Việt Nam đến với thế giới, Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines vừa công bố dự án đưa nhãn lồng Hưng Yên lên các chuyến bay làm món tráng miệng cho hạng thương gia các tuyến nội địa và quốc tế xuất phát từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 15/08 đến 15/09.
Việc mang nhãn lồng Hưng Yên lên các chuyến bay là món quà tuyệt vời cho hành khách. Quả nhãn lồng to tròn, mọng nước, thơm dịu và ngọt ngào làm cho du khách nào cũng say mê. Ngoài ra, nhãn lồng vốn là cái hồn văn hóa dân tộc, mang nhãn lồng giới thiệu với khách quốc tế là vô cùng phù hợp với tiêu chí “dùng ẩm thực trên không để làm một trong những điểm chạm văn hóa đầu tiên mà Vietnam Airlines muốn dành cho hành khách”.
Bên cạnh đó, hành động trân trọng và hợp tác cùng tỉnh Hưng Yên cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhãn lồng Hưng Yên nói riêng, nông sản Việt nói chung và giải quyết hiệu quả bài toán đầu ra cho người nông dân.
Thông qua việc hợp tác cùng Hưng Yên, Vietnam Airlines đang gửi gắm đến bạn bè trên khắp thế giới những hương vị tinh túy của thiên nhiên một cách thuần Việt nhất, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
… Còn cho hiệu quả kinh tế giúp người dân thoát nghèo
Cây nhãn được trồng tập trung chủ yếu ở xã Hồng Nam, TP. Hưng Yên và huyện Khoái Châu. Xã Hồng Nam vốn được coi là cái nôi của vùng nhãn lồng tiến vua nổi tiếng từ xưa, hiện cũng là địa phương thâm canh nhãn đem lại hiệu quả kinh tế cao trong vùng. Người dân nơi đây vẫn còn duy trì và phát triển được giống nhãn lồng gốc cho hương vị quả ngon nhất bởi những đặc trưng như: Cùi giòn, vị ngọt sắc, hương thơm khó quên…
Hiện các nhà vườn trong xã cũng đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Giá bán buôn ngay tại vườn đang dao động ở mức 30.000- 40.000 đồng/kg, ở thời điểm đầu vụ, có lúc giá bán lên tới 50.000 đồng/kg. Hàng ngày, từng đoàn thương lái tấp nập tìm về tận vườn thu mua nhãn tươi để xuất bán đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Chủ nhiệm Hợp tác xã Nhãn lồng xã Hồng Nam Đặng Văn Xây cho biết: "Toàn xã hiện có hơn 300 ha nhãn đã chín và đang vào thời kỳ thu hoạch. Trung bình mỗi hộ gia đình trồng từ 5- 7 sào nhãn, cá biệt có một số hộ trồng tới 3- 4 mẫu nhãn. Tổng sản lượng nhãn quả của người dân trong xã năm nay ước đạt 3.500 tấn, đem lại giá trị doanh thu khoảng hơn 100 tỷ đồng".
Huyện Khoái Châu - nơi có diện tích trồng lớn nhất và cũng là một trong những “vựa nhãn” có tiếng của tỉnh, với hơn 1.600 ha nhãn, sản lượng ước đạt khoảng 20.000 tấn. Giống nhãn Miền Thiết được trồng tại đây ngon nức tiếng gần xa; đây là giống nhãn cho quả to, cùi dày, năng suất cao, thu hoạch rộ vào thời điểm tầm cuối tháng 08, đầu tháng 09. Tuy nhiên, giống nhãn này có giá thành rẻ hơn so với giống nhãn lồng gốc, hiện giá bán buôn cân ngay tại vườn dao động ở mức 20.000- 25.000 đồng/kg.
Một điển hình trồng nhãn giỏi của huyện Khoái Châu là hội viên, nông dân Lê Phú Thịnh, người nổi tiếng với nghề trồng nhãn. Anh Thịnh chia sẻ: "Để quả nhãn phát triển cho chất lượng đồng đều, việc đầu tiên người trồng cần phải lựa chọn được cây giống đảm bảo, an toàn; tiếp đó là chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Như vậy, sản phẩm nhãn thu được trung bình sẽ giao động trong khoảng từ 60- 80 quả/kg; đặc biệt, vỏ của quả nhãn sẽ mỏng, cùi khô và có hương thơm rất đặc trưng của sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên".
"Nhờ trồng nhãn mà đời sống của người dân ổn định và khấm khá nhưng vui nhất là chúng tôi đã gìn giữ và phát triển được nghề của cha ông truyền lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau để nhãn lồng Hưng Yên mãi được lưu truyền...", anh Lê Phú Thịnh phấn khởi nói.
Lê Pháp – Hoàng Thăng