THCL Sáng 8/12, Lễ khai mạc Hội nghị không chính thức quan chức cao cấp APEC (ISOM) đã diễn ra tại Hà Nội.
Hội nghị có sự góp mặt của khoảng 350 đại biểu từ 21 thành viên, Ban thư ký APEC quốc tế, các quan sát viên của APEC, đại diện các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)… và đại diện các bộ, cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp, các học giả trong nước và quốc tế.
Đây là hoạt động mở màn trong chuỗi các hoạt động Năm APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam. Năm APEC 2017 dự kiến diễn ra nhiều sự kiện như hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017; đối thoại với doanh nghiệp về chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết APEC”; hội nghị ISOM.
Trong ngày 8/12, có 5 phiên thảo luận kín về các vấn đề nhằm tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đẩy mạnh tăng trưởng bền vững và sáng tạo; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017 Phạm Bình Minh
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017 Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Trong một thế giới có nhiều sự thay đổi, APEC cần thể hiện nhiều trách nhiệm hơn đóng vai trò đầu tàu, thúc đẩy hội nhập, phát triển kinh tế, hỗ trợ hệ thống thương mại, cởi mở, minh bạch, toàn diện và đa chiều; thực hiện chương trình nghị sự và phát triển bền vững đến năm 2030 và hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.
Trong ngày hôm nay, các đại biểu sẽ thảo luận về các nội dung chính: Kiến tạo động lực mới, đóng góp vào tương lai chung; Xây dựng một cộng đồng APEC bền vững, đổi mới và bao quát; Liên kết thống nhất phát triển kinh tế vùng; Đẩy mạnh sự cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.
Để cụ thể hóa chủ đề “Tạo động lực mới, cùng văn đắp tương lai chung”, tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh 4 đề xuất ưu tiên của Việt Nam. Một là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Hai là, đó là đẩy mạnh liên hết kinh tế khu vực sâu rộng. Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo và sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số. Cuối cùng đó là tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, nhằm thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các nền kinh tế thành viên APEC nên chú trọng tăng cường đầu tư và mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông sản và thúc đẩy các sáng kiến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kết luận, trước những đổi thay sâu sắc trên thế giới, các nền kinh tế thành viên APEC cần phải đảm nhiệm nhiều trọng trách hơn nữa và cần phải trở thành “vườn ươm” và động lực để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế.
Các nhà lãnh đạo APEC cần tăng cường năng lực lãnh đạo để điều phối có hiệu quả các Hiệp định Thương mại Tự do và các Hiệp định Thương mại Khu vực, tiến tới một hệ thống thương mại mở, minh bạch và phổ quát cũng như thực hiện tốt Chương trình Phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC sẽ kéo dài trong 2 ngày 8 và 9/12.
PV