Hội nghị triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - Hình 1

Quang cảnh hội nghị 

Theo đó, Hội nghị là một trong các hoạt động để triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP mà Bộ Công thương đã ban hành tại Quyết định số 456/QĐ-BCT thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 121/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP

Hội nghị gồm 2 phần. Phiên sáng 8/5, tổ chức tập huấn chuyên sâu nhằm hướng dẫn, thực hành tra cứu và thực thi cam kết trong một số lĩnh vực cơ bản như thuế xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ, dịch vụ, đầu tư cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương do các thành viên Đoàn đàm phán Hiệp định CPTPP thực hiện.

Nội dung hướng dẫn tra cứu các cam kết về thuế xuất, nhập khẩu; tra cứu và thực thi các cam kết về quy tắc xuất xứ hàng hoá; tra cứu và thực thi các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư; thực hành với các bài tập tình huống. Để từ đó giúp các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu sâu và hiểu đúng về cam kết của Hiệp định CPTPP, hỗ trợ tích cực trong quá trình thực thi Hiệp định.

Phiên buổi chiều, trình bày về các thông tin mang tính tổng quan, chiến lược của Hiệp định CPTPP với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, lãnh đạo TP. Hải Phòng có, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Thành, đại diện lãnh đạo các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh và Ninh Bình, cùng đại diện cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc ký kết CPTPP đã cho thấy những bước tiến của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong và ngoài nước.

Hội nghị lần này sẽ giúp rà soát và đánh giá tốt hơn những cơ hội và thách thức, từ đó, triển khai kịp thời các cam kết của Hiệp định CPTPP. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh vai trò nhóm doanh nghiệp và đề nghị các doanh nghiệp cần khai thác tốt hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn Hiệp định CPTPP.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng thông tin tình hình phát triển công nghiệp - thương mại của thành phố.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Tùng nhận định, Hiệp định CPTPP khi thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp từ Hải Phòng và các tỉnh thành khi tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, cũng sẽ có khó khăn bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế khi gia nhập thế giới. Trong khi đó, các hiệp định thương mại thế hệ mới ngày càng phức tạp, đòi hỏi gắt gao hơn. Chính vì vậy, việc tổ chức quán triệt, triển khai cam kết Hiệp định CPTPP cho các địa phương là việc làm rất quan trọng.

Đây là cơ hội rất lớn để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam trong 5 - 10 năm tới. Cũng như việc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia CPTPP, một FTA thế hệ mới, sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, do Hiệp định CPTPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn.

Vũ Duyên