Quán triệt Chương trình hành động số 35-CTr/TU, ngày 01/11/2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Kế hoạch 3237/KH-UBND, ngày 11/10/2021 về triển khai thực hiện thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu;
Hội nghị được tổ chức với 115 điểm cầu từ UBND tỉnh tới 08/08 huyện, thành phố; 106/106 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Tham dự Hội nghị, có sự tham gia của ông Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Trưởng ban Chỉ đạo PCTP tỉnh Lai Châu; Bác sĩ, Đại tá Tạ Đức Ninh – Nguyên Trưởng phòng Thường trực Chương trình Quốc gia Phòng chống ma túy Bộ Công an, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy PSD; Đại tá, Thạc sĩ Phạm Hải Đăng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu; Tiến sĩ danh dự Lê Trung Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu cho biết: “Tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được đẩy lùi và kiềm chế. Mỗi năm hàng trăm vụ án, hàng trăm đối tượng phạm tội về ma túy bị phát hiện và bắt giữ. Từ những kết quả đó đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, góp phần tạo môi trường an toàn cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương.”
Tại hội nghị, Đại tá, Bác sĩ Tạ Đức Ninh- Nguyên trưởng phòng thường trực Chương trình Quốc gia Phòng chống ma túy Bộ Công an đã nêu ra tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên thế giới và trong nước thời gian qua. Năm 2020, trên thế giới có 275 triệu người sử dụng ma túy, tăng 22% so với năm 2010. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 246.648 người nghiện có hồ sơ quản lý. Nghiêm trọng hơn, số người nghiện đang bị trẻ hóa.
Báo cáo đánh giá tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Lai Châu trong thời gian qua, Đại tá, Thạc sĩ Phạm Hải Đăng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu không có những địa bàn, tụ điểm đặc biệt “nóng” về tội phạm ma túy. Tuy nhiên, lực lượng Công an đã xác định và lập hồ sơ một số địa bàn, khu vực trọng điểm về ma túy. Trong đó có nhiều địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp cận, áp dụng các biện pháp phòng ngừa cũng như biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt xóa còn gặp nhiều khó khăn; đã lập và đang quản lý hơn 400 đối tượng trong diện quản lý nghiệp vụ về ma túy.
Lai Châu là một trong những địa bàn phức tạp về ma túy trong khu vực Tây Bắc, vừa là địa bàn tiêu thụ, vừa là địa bàn trung chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng vào Việt Nam. Ma túy được thẩm lậu tuwg Lào rồi qua Sơn La, Điện Biên, sau đó đi vào tỉnh để chuyển đi các địa bàn khác trong nước hoặc sang Trung Quốc để tiêu thụ. Tỷ lệ người phạm tội về ma túy chủ yếu là dân tộc thiểu số.
Trong thời gian qua, số đối tượng bị bắt giữ và lượng ma túy thu giữ được tăng cao so với giai đoạn trước. Chỉ tính trong 10 tháng 2021, bắt giữ 475 vụ, 551 đối tượng phạm tội về ma túy (tăng 144 vụ = 43.5%, so với 10 tháng năm 2020), thu 21.09kg hêrôin (tăng 141,7%), 52.8kg ma túy tổng hợp (tăng 318,3%), 9,1kg thuốc phiện (tăng 50,1%).
Tội phạm liên quan đến ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 3007 người nghiện các chất ma túy (chiếm 0,65% dân số của tỉnh). Ngoài ra, xác định có hơn 1962 người nghi sử dụng trái phép ma túy. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghiện còn cao hơn, số người đang điều trị bằng thuốc thay thế Methadone và Buprenorphine tiếp tục sử dụng trái phép các chất ma túy chiếm tỷ lệ cao.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Trung Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD cho biết, trước tình hình tái nghiện cao ở mọi hình thức cai nghiện, nhiều năm qua, Viện PSD đã tập trung nghiên cứu phương pháp cai nghiện và chống tái nghiện bằng trị liệu tâm lý với mục tiêu đưa công tác cai nghiện, chống tái nghiện theo một hướng mới có tính đột phá.
Nêu đề xuất tại hội nghị, ông Lê Trung Tuấn cho rằng, cần xã hội hóa toàn diện công tác phòng chống ma túy, kêu gọi mọi giai tầng tham gia công tác cai nghiện và phòng ngừa. Có cơ chế cụ thể khuyến khích các cá nhân tập thể, các doanh nghiệp tham gia. Thay đổi cơ cấu cây trồng và nghề nghiệp để dần kiểm soát và loại bỏ dần cây lanh mèo. Phổ cập các chương trình tập huấn phòng ngừa của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào trường học. Bố trí bổ sung ngân sách tăng số người cai nghiện tự nguyện và tạo việc làm cho họ. Tổ chức tuyên truyền tập huấn thường xuyên tới các xã phường và đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng cho bà con trong phòng chống ma túy. Nghiên cứu các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tận gốc việc sử dụng, nghiện ma túy, giảm thiểu việc gia tăng người nghiện mới. Tập huấn và cập nhật thường xuyên các loại ma túy, tiền chất ma túy mới...
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá, làm rõ tình hình, kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lai Châu; chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và đề ra phương hướng, giải pháp trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong thời gian tới.
Với sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ của các tổ chức, sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan chức năng và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, nhiệm vụ phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Lai Châu trong thời gian tới sẽ tiếp tục đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của tỉnh nhà.
Trang Nguyễn