Là mảnh đất có bề dày lịch sử truyền thống với 03 nền văn hóa tiền sử nổi bật là Văn hóa Soi Nhụ, Văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long, có tài nguyên di sản quý báu với hệ thống danh lam, thắng cảnh, lễ hội truyền thống độc đáo, đa sắc màu, sau sáp nhập địa giới hành chính, TP. Hạ Long đã hội tụ đầy đủ hơn các loại hình văn hóa như: văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, tạo nên sự giao thoa và kết tinh nền văn hóa đa sắc, thống nhất trong đa dạng; hình thành nên một hệ thống giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu bản sắc và nhân văn. Thành phố Hạ Long hiện có 96/638 di tích lịch sử - văn hóa của toàn tỉnh; trong đó có Di sản kỳ quan thế giới vịnh Hạ Long; 6 di tích cấp quốc gia, 11 lễ hội độc đáo.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thành phố Hạ Long là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại, dịch vụ du lịch của tỉnh Quảng Ninh; có vị trí, vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh và khu vực. Di sản văn hóa của thành phố chính là nguồn lực đặc biệt cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Vì vậy, đồng chí mong muốn thông qua hội thảo sẽ có nhiều hơn nữa những tư liệu, ý kiến quý báu của các học giả, các nhà nghiên cứu, diễn giả để nhận diện, đưa ra giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu đó phục vụ phát triển bền vững.
Trên 50 tham luận tại hội thảo đã chỉ ra những tiềm năng, thế mạnh của thành phố Hạ Long về mặt di sản văn hóa, đề xuất các mô hình phát triển và giải pháp thích hợp để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa với tư cách là nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa phục vụ việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà địa phương có ưu thế.
Các đại biểu cũng đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại trong quá trình khơi dậy các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh thời gian qua; phân tích nguyên nhân thành công và hạn chế, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Bên cạnh nhận diện giá trị di sản của thành phố, việc xây dựng nguồn nhân lực cho nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng là việc cần làm song song để phục vụ phát triển bền vững.
Hội thảo khoa học có ý nghĩa to lớn cho thấy sự quyết tâm của thành phố Hạ Long - thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh - về thực hiện đề cương văn hóa Việt Nam, xây dựng sức mạnh văn hóa con người Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung; tạo động lực cho sự phát triển nhanh của thành phố, hướng tới trở thành thành phố sáng tạo được UNESCO công nhận, tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu và đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh.
Trần Trang(t/h)