Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, thực hiện lập quy hoạch, Bộ đã rà soát, tổng hợp, báo cáo Chính phủ các công tác chuẩn bị, lựa chọn các đơn vị tư vấn. Dự thảo quy hoạch cũng sẽ tập trung vào đánh giá tiềm năng năng lượng mới rất lớn, gắn chính sách thúc đẩy. Sử dụng tiết kiệm năng lượng, ngành năng lượng ít tác động nhất tới môi trường, bảo vệ môi trường, hành lang pháp lý, chính sách gồm cả vấn đề thị trường, kết nối liên quan các khâu, ứng dụng công nghệ…
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An khẳng định, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia vừa là quy hoạch ngành quốc gia, vừa là quy hoạch kết cấu hạ tầng thiết yếu của đất nước.
Cũng theo Bộ Công Thương, quy hoạch lần này có bối cảnh tương đối khác với những lần lập Quy hoạch trước. Quy hoạch tổng thể về năng lượng được đặt ra với yêu cầu mới trong việc giải quyết các vấn đề phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng trong nền kinh tế, đưa ra một quy hoạch động và mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng.
Toàn cảnh Hội thảo lần 1 về Quy hoạch tổng thể về năng lượng thời kỳ 2021-2030 (Ảnh: Trúc Mai)
Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia có liên quan tới nhiều quy hoạch đang trong giai đoạn xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch giao thông, Quy hoạch không gian đô thị, Quy hoạch phát triển công nghiệp... Trên thực tế, khả năng đồng bộ các quy hoạch này là một thách thức lớn.
Tại hội thảo, các cơ quan tư vấn đã báo cáo các nội dung thực hiện trong 5 chương đầu của Đề án Quy hoạch, gồm: Đánh giá hiện trạng năng lượng quốc gia; đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch các phân ngành năng lượng; tình hình và dự báo phát triển kinh tế xã hội; hiện trạng sử dụng năng lượng và tiềm năng tiết kiệm năng lượng; tiềm năng, khả năng khai thác, cung cấp và định hướng phát triển sản xuất các phân ngành năng lượng.
Do vậy, việc triển khai Quy hoạch cần bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 55 Bộ Chính trị; Song song với việc càng ngày tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam sẽ phải dối mặt với cả những thuận lợi và khó khăn trong việc đảm bảo phát triển bền vững hệ thống năng lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, việc quy hoạch tổng thể về năng lượng chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng cần xác định giá hợp lý gắn với thị trường, đảm bảo sức chịu đựng của nền kinh tế. Qua đó, Hội thảo góp phần đánh giá toàn diện về cung - cầu năng lượng quốc gia và kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường mà Việt Nam đã đặt ra và cam kết với cộng đồng quốc tế.
Trúc Mai