Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Nhằm triển khai Quyết định số 1158 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia đến năm 2030, Chỉ thị số 25 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập; đồng thời nhằm tham mưu xây dựng Kế hoạch Phát triển thị trường KH&CN TP. Hải Phòng đến năm 2030 góp phần đưa Hải Phòng phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong tương lai, Sở KH&CN đã tổ chức “Hội thảo liên ngành và các chuyên gia xin ý kiến Dự thảo Kế hoạch Phát triển thị trường KH&CN thành phố Hải Phòng đến năm 2030” vào sáng nay, ngày 06/4.

Tham dự hội thảo, về phía Bộ KH&CN có ông Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST; ông Tạ Bá Hưng, Chủ nhiệm chương trình Phát triển thị trường KH&CN; ông Nguyễn Sỹ Đăng - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ; bà Vũ Thị Tú Quyên - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; ông Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN; cùng các đồng chí đại diện Vụ Ứng dụng công nghệ và Tiến bộ kỹ thuật, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN. Về phía thành phố Hải Phòng có ông Lê Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; ông Đỗ Mạnh Hào - Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển; ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản, cùng đại diện các Sở, ngành và các Doanh nghiệp KH&CN. Đồng chí Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN - Chủ trì hội thảo.

Tại Hội thảo các đại biểu được nghe đại diện Sở KH&CN báo cáo Kết quả phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013-2023. Theo đó, thông qua việc thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ đã góp phần nâng cao các chỉ số về công nghệ của thành phố, cụ thể:  Tốc độ đổi mới công nghệ tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2021 là 15%, 2022 là 16,1%, 2023 là 16,63% ; Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao trong GDP: Năm 2021: 68.20%; năm 2022: 68.30%; Năm 2023: 68.50%; Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao trong giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021: 40.12%; năm 2022 dự kiến 40.4%; năm 2023: 40.60%; Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp TFP tăng dần, năm 2021: 41.00%; năm 2022 dự kiến 42.30%; năm 2023: 43 %. Các văn bằng được bảo hộ xuất phát từ các doanh nghiệp, cá nhân hầu hết đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất (chiếm trên 65%); số còn lại các sáng chế, giải pháp hữu ích của các viện, trường và một số cá nhân cũng đều rất có giá trị khoa học, có thể ứng dụng để sản xuất, kinh doanh khi điều kiện cho phép và có được đầu tư. Số lượng doanh nghiệp KH&CN của thành phố ngày càng tăng, sẽ là tiền đề để đóng góp vào sự phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN của thành phố.

Cũng tại Hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận về Dự thảo Kế hoạch Phát triển thị trường KH&CN thành phố Hải Phòng đến năm 2030, xoay quanh các nội dung chính: Thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; tăng cường công tác truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát triển thị trường KH&CN.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp để Sở nghiên cứu tham mưu xây dựng được một kế hoạch bám sát định hướng, mục tiêu và yêu cầu phát triển của thành phố, góp phần tạo nên một Hải Phòng có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới trong tương lai trình thành phố.

Quỳnh Nga