Trong khoảng 3 tuần gần đây, lãi suất huy động các ngân hàng tăng trở lại sau khoảng 1 năm chỉ có giảm. Kể từ đầu tháng Tư đến nay, một loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, VPBank, KienLong Bank. Trong đó, VPBank và Eximbank tăng lãi suất huy động vào cuối tháng Ba, cùng với SHB và Saigonbank.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) là ngân hàng duy nhất điều chỉnh lãi suất huy động trong sáng 11/4. Cụ thể, VIB vừa điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng, tăng thêm 0,1 điểm phần trăm, lên 2,6%/năm. Đây cũng là kỳ hạn gửi tiền duy nhất được VIB điều chỉnh lần này.
Lãi suất huy động trực tuyến các kỳ hạn còn lại được VIB giữ nguyên. Lãi suất kỳ hạn 2 tháng 2,6%/năm, 3-5 tháng 2,8%/năm, 6-11 tháng 4%/năm, 15-18 tháng 4,8%/năm, và 24-36 tháng 5%/năm. Theo khảo sát, ngân hàng VIB là ngân hàng duy nhất điều chỉnh lãi suất huy động trong sáng 11/4.
Kể từ đầu tháng 4/2024, các ngân hàng giảm lãi suất huy động gồm: Vietcombank, PGBank, SCB, Techcombank, ABBank, Dong A Bank, Viet A Bank, Eximbank, Nam A Bank. Việc lãi suất huy động ở mức rất thấp trong thời gian dài khiến người dân có xu hướng dịch chuyển từ kênh tiết kiệm ngân hàng sang các kênh đầu tư khác. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Trên thị trường lãi suất liên ngân hàng, sau khi bật tăng mạnh vào đầu tháng Tư, lãi suất liên ngân hàng đã quay đầu giảm mạnh trở lại.
Vào hôm 8/4, lãi suất liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, kỳ hạn qua đêm là 2,66%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất 4,59%/năm hôm 2/4; Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn còn lại cũng đã hạ nhiệt. Kỳ hạn 1 tuần còn 2,96%/năm, kỳ hạn 2 tuần còn 3,29%/năm, kỳ hạn 1 tháng còn 3,22%/năm, và kỳ hạn 3 tháng còn 3,96%/năm.
Ngày hôm qua (10/4), Ngân hàng Nhà nước chào bán thành công 4.000 tỷ đồng tín phiếu trên thị trường mở, kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 2,9%/năm.
Minh An (t/h)