Đây là thông tin được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, diễn ra ngày 21/11. Trong danh sách có hàng loạt những “ông lớn” đã được nhắc tới.

Các doanh nghiệp (DN) bị “bêu tên” chủ yếu là các công ty con của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc các bộ, ngành (tổng cộng 295 DN); cùng với đó là các DN thuộc quyền quản lý của các UBND cấp tỉnh (tổng cộng 372 DN).  

Trong đó, có thể điểm qua các tên như: Công ty CP Vật tư và XNK Hóa chất (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), 14 Công ty thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 5 Công ty thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, 8 Công ty thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam, 7 Công ty thuộc Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam, 11 Công ty thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển Nhà và Đô thị; 12 Công ty thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 11 Công ty và Tổng công ty thuộc SCIC; 13 Công ty thuộc Tổng công ty Phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội...

Các DN này đưa ra nhiều nguyên do khác nhau lý giải về việc chưa hoàn thành nghĩa vụ lên sàn sau CPH. Phổ biến nhất là các lý do không đủ số lượng cổ đông cần thiết hoặc/và không đủ vốn điều lệ cần thiết để trở thành công ty đại chúng và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK. Cụ thể hơn, một số DN cho biết họ có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng, số khác cho hay số lượng cổ đông của công ty họ nhỏ hơn 100…

Hơn 600 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chậm lên sàn - Hình 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước

Các nguyên nhân khác có thể kể đến như: đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán CPH, đang tiến hành bàn giao cho SCIC, đang hoàn thiện hồ sơ lưu ký chứng khoán, đang hoàn tất thủ tục lên sàn… Cá biệt có trường hợp cho rằng việc niêm yết chưa mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông và công ty. Cũng có trường hợp sau khi CPH xong, Nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ nên không quyết được việc lên sàn.

Bên cạnh đó, còn có 372 doanh nghiệp tại các địa phương cũng được Bộ Tài chính nêu đích danh; trong đó, TP. HCM chiếm số đông với 11 công ty mẹ và hàng trăm công ty con đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ công khai danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Đây là lần thứ ba tên của các doanh nghiệp chậm lên sàn sẽ bị đưa công khai (lần đầu là cuối tháng 4 với 528 doanh nghiệp, lần thứ 2 là tháng 8 năm 2017), được coi là một trong những biện pháp đối với các doanh nghiệp chưa đưa cổ phiếu lên sàn công khai hoạt động kinh doanh của mình.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hầu hết các doanh nghiệp cổ phần hóa đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoạt động kinh doanh có lãi qua các năm và có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như lợi nhuận. Tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này chiếm khá lớn so với toàn thị trường niêm yết nói chung.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, các doanh nghiệp Nhà nước này đều có những lợi thế nhất định do được thừa hưởng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và một số ưu đãi từ chính sách cổ phần hóa. Đồng thời, cơ chế hoạt động theo mô hình mới cũng năng động hơn nên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh có những chuyển biến tích cực. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp đều có nguồn giữ lại để tăng vốn điều lệ, hoặc đáp ứng đủ điều kiện cũng như có đủ uy tín để huy động vốn từ các nhà đầu tư thông qua việc phát hành thêm.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc gắn cổ phần hóa với niêm yết đến thời điểm này vẫn chưa được chú trọng. Bộ Tài chính nhận định, việc nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường; chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

Hải Đăng