Ảnh minh họa
Theo đó, ngày 17/11, dư nợ tín dụng đã tăng lên 7,26% so với cuối năm 2019, trong đó tín dụng bằng VND tăng 7,76%, tín dụng ngoại tệ giảm 0,69%. Mặc dù phục hồi khá trở lại, song so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 10,28%) tín dụng vẫn còn tăng chậm. Với mức tăng trưởng này, ước tính hơn 96.700 tỷ đồng tín dụng được cung ứng thêm ra nền kinh tế kể từ cuối tháng 9 đến nay, đưa tổng dư nợ tín dụng hiện hữu của hệ thống đạt 8.790.536 tỷ đồng.
Về tăng trưởng tín dụng theo ngành kinh tế, tính đến cuối tháng 10, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản ước tăng 5,22% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng ước tăng 5,81%; dư nợ tín dụng ngành thương mại dịch vụ ước tăng khoảng 8,2%.
Về tín dụng trong 5 lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung cho các lĩnh nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2020, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ước tăng 6,5% so với cuối năm 2019; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu ước tăng khoảng 10%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,21%. Tuy nhiên, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ước giảm 3,83% so với cuối năm 2019; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước giảm 0,81%.
Ngân hàng Nhà nước ước tính, tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 dự kiến có thể đạt 8 - 10%, tương đương có khoảng 150.000 - 320.000 tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong 3 tháng cuối năm. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước nhận định mức tăng trưởng trên 9% là khả thi.
Bảo Lâm