Theo quy định hiện hành, từ ngày 16 đến 30-9, các hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng được phép tích đến mực nước dâng bình thường. Cụ thể, hồ thủy điện Sơn La được tích ở mức 215m, hồ thủy điện Hòa Bình được tích ở mức 117m. Thực tế, đến 9h ngày 28-9, mực nước hồ thủy điện Sơn La đã đạt 215,39m, hồ thủy điện Hòa Bình ở mức 116,19m...

Theo số liệu quan trắc của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Trung tâm Dự báo Khí tượng -Thủy văn Quốc gia, lưu lượng nước về hồ chứa Sơn La tính đến 9 giờ sáng nay 28-9 là 3.458m3/giây và lưu lượng xả là 2.625m3/giây. Còn tại hồ Hòa Bình, lưu lượng nước về hồ chứa là 3.042m3/giây và lưu lượng xả là 1.902m3/giây. 

Tuy nhiên, theo cập nhật đến sáng ngày 28/9, mực nước tại hồ Sơn La đã vượt cao trình mực nước dâng bình thường, đạt 215,39m (cao hơn khoảng 0,3m). Còn tại hồ Hòa Bình chỉ thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 0,8m. Như vậy, theo quy định, hồ Sơn La sẽ phải xả nước để đảm bảo an toàn công trình hồ chứa thủy điện và vùng hạ du.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài kết luận cuộc họp.Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài kết luận cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Vũ Đức Long cho biết, từ ngày 30-9 đến 2-10, lượng mưa đổ về các hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng có xu thế giảm. Khoảng ngày 4 và 5-10, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường, lưu vực sông Hồng có khả năng xảy ra mưa rào và kéo dài đến khoảng ngày 12-10. Từ ngày 12 đến cuối tháng 10-2020, các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa nhưng chưa có dấu hiệu mưa lớn. Từ tháng 11 đến cuối năm 2020, tổng lượng mưa tại các tỉnh miền núi phía Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm...

GS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhấn mạnh: Theo khoản 3, điều 9 của Quyết định 740, việc cho phép tích nước hồ Sơn La cao hơn mực nước dâng bình thường (217m) chỉ được áp dụng khi hạ du có lũ và được phép tích đến cao trình 217,83m với dung tích tăng thêm 634 triệu m3 để tránh nguy cơ lũ chồng lũ.

Hiện nay ở phía hạ du không có lũ. Do đó, GS Hòa kiến nghị: “Nếu mực nước hồ Sơn La vượt quá 215m và hồ Sơn La vượt quá 117m thì phải xả”. Tuy nhiên, để đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, chính trị và an toàn, an ninh, chúng ta có thể tạm giữ nguyên hiện trạng vận hành hồ Sơn La và hồ Hòa Bình như hiện nay đến chiều 29/9 để tiếp tục theo dõi.

Nếu mực nước tăng nhanh thì chiều tối 29/9 bắt buộc phải xả một cửa đáy ở hồ Sơn La và sau đó khoảng 2-3 giờ tiếp tục xả một cửa đáy ở hồ Hòa Bình. Bởi hồ Sơn La xả nước chắc chắn mực nước ở hồ Hòa Bình sẽ vượt trên 117m.

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, “việc cho phép tích nước hồ Sơn La cao hơn mực nước dâng bình thường chỉ được áp dụng khi hạ du có lũ và được phép tích đến cao trình 217,83m với dung tích tăng thêm 634 triệu m3”.

Ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị của EVN, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo đã có văn bản gửi EVN và Nhà máy thủy điện Sơn La, đồng thời có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về đề nghị cho phép tích nước hồ chứa thủy điện Sơn La cao hơn mực nước dâng bình thường của EVN.

 Thiên Trường