Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, về tình hình dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã qua 48 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Cùng với phòng, chống dịch bệnh tích cực, Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép và đạt kết quả. Gần như xã hội trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Vấn đề an sinh xã hội cũng được quan tâm giải quyết. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào Đảng, Nhà nước ngày càng cao.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, kinh tế nước ta phục hồi khá nhanh, mạnh trong tháng 5 so với tháng 4. Nhiều tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn đã lao động hết mình, hứa hoàn thành toàn diện mục tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2020. Một số ngành như công thương, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng… cam kết không rút lại các kế hoạch trong bối cảnh hậu COVID-19. Hoạt động sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi so với tháng trước khi hoạt động kinh tế-xã hội được khôi phục.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 11,2% so với tháng trước. Hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng trở lại, tăng 26,9% so tháng trước. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 17,5%, thể hiện bước đầu có chuyển động. Thu hút vốn FDI dần cải thiện, phục hồi nhẹ, vốn đăng ký 5 tháng đầu năm đạt 13,9%. Trong tháng 5, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn. Hình ảnh, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Trong tháng 5/2020, có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,5%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,5% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4,8%.
Khách quốc tế đến nước ta giảm mạnh do chưa mở cửa cho du lịch quốc tế nên lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8%.
Nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Lãi suất điều hành giảm, chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 4,39% so với cùng kỳ.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt. Tính đến ngày 20/5, huy động vốn tăng 1,85%; tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lần 2 các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã sôi động hơn nhờ tình hình dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thiết lập trạng thái bình thường mới.
Sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu phục hồi, tuy còn hơi chậm do tả lợn Châu Phi nhưng Bộ NN&PTNT đang tích cực tái đàn, tăng tổng đàn, nhập lợn sống, lợn giống để tăng tổng đàn. Dự kiến cuối quý III và đầu quý IV/2020 sẽ tăng tổng đàn như mức chưa có dịch tả lợn Châu Phi. Bên cạnh đó, mặc dù hạn hán ở miền Trung, xâm ngập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, mưa đá, giông lốc diễn ra khắc nghiệt ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, thế nhưng sản xuất lương thực, đặc biệt là gạo vẫn có những cải thiện tích cực bởi vụ Đông Xuân và Hè Thu, chúng ta chủ động cấy sớm nên đạt sản lượng tốt. Trữ lượng của Việt Nam 1 năm đạt khoảng 43,5 triệu tấn thóc, trong đó chỉ sử dụng 29,96 triệu tấn thóc nội địa, dư 13,54 triệu tấn thóc phục vụ xuất khẩu. Thủ tướng Chính phủ đề ra quyết tâm xuất khẩu gạo năm 2020 đạt 7 triệu tấn gạo, tăng 400.000-500.000 tấn so với năm 2019.
Văn hóa, xã hội hoạt động bình thường, giải bóng đá Việt Nam trở lại thi đấu với số lượng khán giả đến sân được đánh giá là đông nhất thế giới trong tháng 5. Tuy nhiên, Người phát ngôn của Chính phủ cũng cho rằng chúng ta không được chủ quan, tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhất là lực lượng trên tuyến biên giới, đường mòn, lối mở, các cửa khẩu. Chúng ta còn đối diện các rủi ro, thách thức, còn một số mặt tồn tại, trong đó, rủi ro, thách thức lớn nhất là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu.
Theo người đứng đầu Văn phòng Chính phủ, tăng trưởng của Việt Nam đạt mức khá nhưng nhìn chung chưa đạt yêu cầu. Công nghiệp giảm do chuỗi cung ứng gặp trở ngại. Nông nghiệp gặp khó khăn do thời tiết nắng hạn. Áp lực lạm phát vẫn còn khi mặt bằng giá nhóm hàng hóa thiết yếu còn cao. Đây là điều cần cảnh giác. Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng còn chậm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/6, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không lùi bước trước khó khăn. Mọi cấp, mọi ngành phải có giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế vượt lên, đạt được mục tiêu cao nhất năm 2020. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu kép thành công. Khôi phục hoạt động kinh tế xã hội quyết liệt hơn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và quyết liệt triển khai gói hỗ trợ mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo, gồm gói chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa, đặc biệt là gói hỗ trợ an sinh xã hội dành cho hơn 20 triệu người. Chính sách hỗ trợ người dân nghèo, người thất nghiệp là tốt nhưng nếu không quản lý tốt, không làm rõ trách nhiệm thì nảy sinh vấn đề phức tạp.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các quy trình, thủ tục, đối tượng với tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng và đề nghị các cổng thông tin điện tử ở địa phương cũng như Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công khai vấn đề này để người dân giám sát.
Trúc Mai