Buổi họp báo diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, hôm nay, trong không khí phấn khởi cả nước vừa thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022.

"Đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.

Hội nghị vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022, nền kinh tế nước ta chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm. Trong bối cảnh đó, cả nước đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Những kết quả đạt được của năm 2022 cao hơn năm 2021 là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Báo cáo và thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu thống nhất: Trong bối cảnh thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn, phức tạp hơn, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội để chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, bài bản, khoa học, linh hoạt, kịp thời trên các lĩnh vực. Nhờ đó, KTXH nước ta năm 2022 có nhiều khởi sắc, tiếp tục phục hồi tích cực và tăng trưởng cao, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra (6-6,5%), cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD.

Có 59/63 địa phương tăng trưởng từ 6,5% trở lên, trong đó, nhiều địa phương tăng trưởng cao như: Khánh Hòa (20,7%), Bắc Giang (19,3%); Đà Nẵng (14,1%), Hậu Giang (13,9%), Hưng Yên (13,4%), Cần Thơ (12,6%), Thanh Hóa (12,5%), Hải Phòng (12,3%), Lâm Đồng (12,1%), Vĩnh Long (11,3%), Quảng Nam (11,2%), Hà Nam (10,8%), Quảng Ninh (10,3%) và Điện Biên (10,2%). Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng có mức tăng trưởng cao lần lượt đạt 8,9% và 9,03%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

Các cân đối lớn được bảo đảm (Thu NSNN vượt 27,8% dự toán, tăng 392 nghìn tỷ đồng); kim ngạch XNK đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu 11,2 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu nông sản hơn 53,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo đạt hơn 7,12 triệu tấn; an ninh năng lượng được bảo đảm, đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ, đáp ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

"Công nghiệp phục hồi tích cực, sản xuất công nghiệp tăng 7,7%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nông nghiệp tăng trưởng 3,36%, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia"- Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin.

Cùng đó thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm 2021; du lịch phục hồi mạnh, năm 2022 có hơn 102 triệu lượt khách trong nước và 3,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm có 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 30,3% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng tăng 11,2% so với năm 2021, tương đương 33,8% GDP. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng, nhất là giao thông, năng lượng được thúc đẩy tiến độ. Hoàn thành 310 km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255 km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông và một số dự án quan trọng khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thông tin về Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương tại buổi họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thông tin về Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương tại buổi họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số vấn đề mang tính định hướng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2023, trong đó nêu rõ yêu cầu:

1, Cần chủ động ứng phó với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được.

2, Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.

3, Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt cũng như lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn.

4, Quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

5, Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

6, Tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị...

Về mục tiêu cho năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương: "Năm 2023 nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022".

Trân trọng lĩnh hội, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng để cụ thể hóa trong thực tiễn triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KTXH năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025; dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Thực hiện kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với phương châm: "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả" với tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hoá được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được; tranh thủ thời cơ, vận hội, "biến nguy thành cơ"; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.

PV