Theo đó, tại diễn đàn, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thay mặt lãnh đạo thành phố và ông Jeremy Jurgens, Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, trao bản Tuyên bố chung - đã được ký giữa Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi và Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng Giám đốc Điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới trao bản Tuyên bố chung.
Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cùng Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới trao bản Tuyên bố chung (Ảnh: Hà Nội mơi)

Tuyên bố chung nhằm mục tiêu triển khai các nội dung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới ngày 26/6 cho giai đoạn 2023 - 2026.

Trước đó, để cụ thể hóa quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc chuyển đổi nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thủ tướng Chính phủ và Diễn đàn Kinh tế thế giới, TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã có những cuộc gặp, trao đổi và làm việc với Diễn đàn Kinh tế thế giới và 2 bên cùng thống nhất hợp tác trong việc thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tại TP. Hồ Chí Minh, Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tham gia vào hệ sinh thái của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh - sẽ là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh, sẽ đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của thành phố phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế. Qua đó, huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới phù hợp với xu hướng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và kim ngạch xuất - nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước. Tuy vậy, TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước). Về cơ bản, kinh tế của thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng tuyến tính và chưa được xanh hóa. Công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra.

Hoàng Bách