THCL Bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã làm “tròn vai” khi lồng nghép nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc vào phim bên cạnh mạch cảm xúc về số phận những người đồng tính.

Bộ phim Hot boy nổi loạn 2 với tên đầy đủ là “Hot boy nổi loạn 2 – Sự trở về của kẻ đã chết” được đạo diễn Vũ Ngọc Đãng trình làng cách đây không lâu.

Đã trở thành thương hiệu lấy nước mắt của khán giả, Hot boy nổi loạn 2 tiếp nối câu chuyện của phần 1, khi nhân vật Lam làm đủ mọi cách để có tiền để đi tìm Khôi. Cũng chính vì thế mà anh bất chấp tất cả để có được tiền, dù phải đánh đổi mạng sống bằng cách trộm cắp của những vị khách.

Có thể nói, sau phần 1 với nội dung được tách biệt thành 2 mảng lớn, bao gồm tình yêu đồng tính giữa Lam - Khôi, giữa câu chuyện của thằng khờ Cười và cô gái điếm, thì phần 2 đạo diễn đã tập trung hơn vào câu chuyện của nhân vật chính, thay vì dàn trải giữa nhiều tuyến nhân vật trong cùng 1 bộ phim.

Sau khi được 1 người lượn ve chai phát hiện nằm bất tỉnh tại khu đất hoang, Lam được cứu sống và dành thời gian 4 năm sau đó đi khắp Nha Trang để tìm khôi. Còn Long và những người bạn đều tưởng rằng Lam đã chết, nên quyết tâm từ bỏ nghề đứng đường để làm lại cuộc đời bên cạnh 1 tiệm sản xuất nước đá. Cuộc sống tuy cực nhọc, nhưng Long có Cuội bên cạnh, nhưng chưa 1 lần Long mở lòng với Cuội chỉ vì còn yêu Lam.

Cuộc tình đơn phương ấy kéo dài, kể cả Lam biền biệt nhiều năm trời. Phân cảnh xúc động nhất của bộ phim là đoạn Long biết Lam còn sống, đôi mắt ngấn nước, đạp xe thật nhanh trên con đường vắng khiến khán giả tin rằng tình yêu của Long với Lam là thật lòng. Mọi cảm xúc vỡ òa khi 2 con người sau 4 năm xa cách đứng trước mặt nhau… rất thật. Đôi mắt ngấn lệ của Long như lời hờn trách, tại sao Lam bặt vô âm tín suốt 4 năm trời mà không cho Long biết tin. Phân cảnh ấy như cứa vào tim khán giả những dư vị chua chát về tình yêu và sự chờ đợi.

Hot boy nổi loạn 2: “Ngẫm” về những số phận của đáy xã hội - Hình 1

Ở Lam cho thấy sự trải đời và bất cần, sẵn sàng chiến đấu với bọn ma cô để được sống và kiếm tiền, dù anh là 1 kẻ cô độc. Hình ảnh của Lam như 1 bức gương phản chiếu về những số phận của đáy xã hội, phải kiếm sống bằng thân xác của mình nhưng vẫn bị xã hội ăn chặn mồ hôi nước mắt. Như một lời tuyên bố về quyền được sống, Lam vùng lên để giải thoát, dù có lúc anh rơi vào tuyệt vọng. Những ống cống ngầm dưới lòng Sài Gòn hoa lệ như một hình ảnh so sánh về số phận những người nghèo khổ ngoài kia, đi mãi chẳng có lối thoát. Nhưng họ vẫn mạnh mẽ vượt qua số phận dù chỉ có 1 tia hi vọng.

Hot boy nổi loạn 2: “Ngẫm” về những số phận của đáy xã hội - Hình 2

Sau ngần ấy năm tìm kiếm 1 người, Lam đã chẳng còn hi vọng về những tin tức ở Khôi, nhưng cuộc sống lại như trêu đùa thêm 1 lần nữa khi anh biết tin Khôi đã mất chính ngày 2 người chia tay. Ngôi mộ của Khôi ở ngay Sài Gòn mà anh phải bỏ công nhiều năm tháng để tìm 1 người đã mất. Giữa đêm, Lam đạp xe thật nhanh tới nghĩa trang và rồi biết được sự thật đau đến cháy lòng, rằng vì anh mà Khôi bị tai nạn ngay trong ngày Khôi bỏ đi. Mọi ký ức bỗng chốc ùa về, ào ạt như cơn lũ. Lam như chợt tỉnh giấc sau những giấc mơ kéo dài, về cuộc sống của 1 thằng làm đĩ và người anh yêu nhất cũng vì anh mà ra đi… Như 1 lời hứa cuối cùng, anh sẽ bỏ nghề vì Khôi, người anh đã và sẽ hết mực yêu thương.

Lam đã từng nói: “Cuộc sống ngoài kia chúng ta chỉ có thể gặp được 1, 2 người yêu thương thật lòng, hãy trân trọng những người đã bên cạnh”, như một lời nhắn nhủ đậm chất nhân văn với những người trẻ tuổi đang lạc lõng giữa vô vàn lựa chọn. Có thể khi bạn còn trẻ, bạn còn nhiều cơ hội để tìm 1 người nào đó để yêu, nhưng năm tháng chẳng đợi ai đó, khi bạn già đi sẽ chỉ là những người cô độc và chẳng có 1 người nào ở bên, hãy trân trọng những người đã và đang yêu thương bạn khi còn có thế.

Không chỉ lột tả về tình yêu của những số phận của người đồng tính, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng còn lồng ghép 1 số tuyến nhân vật phụ cùng mưu sinh ở Sài Gòn. Như hình ảnh bà Tám bán Vịt, hay hình ảnh bà mẹ cam chịu trước những trận đòi roi của ông chồng vũ phu. Những hình ảnh đó, như một bức tranh chân thực về xã hội hiện tại, về những người phụ nữ miền Tây khổ cực, cam chịu, về những người đàn ông tối ngày nhậu nhẹt say xỉn rồi đánh đập vợ con. Qua những hình ảnh đó, 1 góc của xã hội dần được hé mở, để những ai trong hoàn cảnh ấy hãy biết đấu tranh, đừng cam chịu trước số phận…

Hot boy nổi loạn 2: “Ngẫm” về những số phận của đáy xã hội - Hình 3

Có lẽ, nhân vật con chó là đặc biệt nhất trong bộ phim, bởi chẳng 1 câu thoại nhưng tình nghĩa của nó còn hơn vô số người ngoài kia, bởi khi Lam đã bỏ đi nó vẫn quay về khu xóm trọ gọi cửa, hay tự biết đường mò về sau khi trốn thoát khỏi lò mổ. Một hình ảnh ẩn dụ tương đối về sự trung thành, chỗ nương tựa của những kẻ đang “co ro” vì cô đơn.

Bộ phim có lẽ cứ thể trôi đi khi chỉ còn vài phút ngắn ngủi là tới hồi kết. Lam trên đường trở về nhà và bất ngờ bị tai nạn. Dù không khẳng định Lam còn sống hay đã chết, nhưng phân cảnh ấy như 1 cú sốc đối với khán giả, cũng như đưa câu chuyện lên cao trào. Với những người coi phim, có vẻ sẽ có những phản ứng trái chiều khi 1 cái kết buồn đối với nhân vật chính. Nhiều người không khỏi hoang mang, thậm chí “tức tưởi” vì cái kết đầy bất ngờ, nhưng đầy day dứt. Phải chẳng, đạo diễn muốn Lam đi đến 1 nơi chẳng còn đau khổ, có thể mỉm cười bên cạnh người anh yêu thương?

Cái kết ám ảnh của Hot boy nổi loạn 2 như những nhát dao lam cứa vào da dịt, chẳng đủ sâu để tứa máu, nhưng lại khiến người ta đau âm ỉ một thời gian dài.

Ngẫm về bộ phim, như 1 bức tranh phản ánh sâu sắc về những con người tận đáy của xã hội Sài Gòn, như những câu nói đầy ẩn ý: “Sài Gòn là hoa của người giàu, nhưng cũng là lệ của người nghèo”. 

Quang Nam