Hội nghị có sự tham gia của đại diện các sở, ngành, chính quyền địa phương; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; đại diện các BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh; BQL Khu vực phát triển đô thị; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ và trên 300 doanh nhân, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Tại đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Quyết định số 39/2018/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 của UBND tỉnh về “Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế”. Đồng thời thông tin rộng rãi về Bộ chỉ số và khuyến khích doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền (DDCI) theo Quyết định 1142/QĐ-UBND và Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 29/5/2018 về việc triển khai đánh giá DDCI năm 2018.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: “Chủ tịch tỉnh đồng hành với doanh nghiệp nhằm thể hiện quyết tâm của địa phương là hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp phát triển”. Đây là cơ hội để lãnh đạo tỉnh hiểu rõ hơn những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN, nhà đầu tư, nhằm tìm cách tháo gỡ phù hợp, cải thiện, nâng cao mối quan hệ giữa DN và chính quyền các cấp, hướng đến một chính quyền thân thiện, phục vụ hiện đại, hiệu quả.
Đề cập đến các sản phẩm nghề truyền thống, ông Thọ trăn trở cho rằng, tại Hội An (Quảng Nam), dịch vụ bán vải và may đo áo dài trong ngày cho du khách rất phát triển trong lúc Huế là cái nôi của áo dài truyền thống nhưng lại không làm được. Ông cho biết thêm, tỉnh đã qui hoạch khu đất 30ha ở đường Minh Mạng (phường Thủy Xuân, TP. Huế) để xây dựng khu làng nghề truyền thống kết hợp dịch vụ du lịch. Tỉnh dự kiến đầu tư khoảng 30 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào đây. Bên cạnh đó, tỉnh đang phối hợp trưng bày sản phẩm làng nghề ở các siêu thị; đưa ra các tiêu chí nhận diện sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa….
Phát biểu tại hội nghị, nhiều DN cho rằng chủ tịch tỉnh thì quyết tâm lớn nhưng các ban ngành gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu… thì cũng không hiệu quả, do đó cần sự đồng bộ, đồng hành của cả hệ thống chính trị. Mặc khác, hằng năm tỉnh đều ban hành các danh mục kêu gọi thu hút đầu tư nhưng nhiều lý do, các danh mục này không đến được các DN. Đề nghị tỉnh cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát, bổ sung, thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ nhà đầu tư và DN…
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các doanh nhân, DN, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, là địa phương có nhiều lợi thế khác biệt để phát triển kinh tế, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa phải là tỉnh có tiềm lực kinh tế mạnh. Để Thừa Thiên Huế xứng đáng với vị trí trung tâm của mình, rất cần có sự chung sức, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng các nhà đầu tư và DN và ông nhấn mạnh: "Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Thừa Thiên Huế chọn là “Năm Doanh nghiệp”. Với chủ đề này, tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết bằng những hành động thiết thực, cụ thể đó là: Quyết liệt chỉ đạo, tập trung việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực: nộp thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh; Tập trung rà soát, bổ sung, thực hiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đến các vùng trọng điểm kêu gọi đầu tư như các Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô, vùng ven biển đầm phá, thành phố Huế, Khu du lịch sinh thái Bạch Mã,...;Tập trung nguồn lực, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển về cả số lượng cũng như chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động..."
Trần Minh Tích