Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gặp mặt người dân khu giải toả Thượng thành Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gặp mặt người dân khu giải toả Thượng thành "Không để hộ dân nghèo nào ở lại phía sau, không có chỗ ở"

Phải nói rằng đây là cuộc “di dân lịch sử” nhằm trả lại nguyên trạng khu kinh thành xưa và được người dân đồng lòng ủng hộ. Tuy nhiên rất bất ngờ khi chúng tôi gặp hộ nghèo- bà Trần Thị Gái (69 tuổi) con liệt sĩ Trần Công Sâm, quê quán ở xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang ở tại khu Thượng thành  tổ 17, phường Thuận Lộc, TP Huế. Hiện cả nhà bà, đang trú ẩn dưới tấm bạt mỏng, trong khuôn mặt đẫm nước mắt bà cho biết “Gia đình của tôi không đất, không nhà… chừ bị chủ cho ở nhờ đuổi ra ở ngoài đường để tháo dỡ nhà. Không biết gia đình 6 người chúng tôi làm thế nào để sống đây”

 Gia đình bà Trần Thị Gái che bạt để ở trên khu Thượng thành, đang ăn cơm từ thiện của Đoàn Nhà báo hỗ trợGia đình bà Trần Thị Gái che bạt để ở trên khu Thượng Thành, đang ăn cơm từ thiện của đoàn nhà báo hỗ trợ

Bà Trần Thị Gái kể với chúng tôi  “Bố tôi là liệt sĩ. Trước đây hai vợ chồng tôi là kép hát ở đoàn Hát bộ Thanh Bình- Huế. Do nghề nghiệp nên vợ chồng tôi lưu diễn nhiều nơi, ra Bắc vào Nam không có chỗ ở ổn định.  Đoàn hát tan rã, vợ chồng tôi không tấc đất cắm dùi nên thuê trọ ở xung quanh phường Thuận Lộc là quê của chồng. Vợ chồng tôi làm nhiều nghề kiếm sống như xe thồ, bán vé số, làm thuê, làm mướn… Gia đình nghèo không đủ ăn, không có tiền thuê nhà, được bà con thương tình cho ở trọ nay chỗ này vài tháng chỗ khác vài năm. Khi thì trọ ở đường Ngô Đức Kế, khi ra chung cư Hương Sơ, rồi khu tập thể Bệnh viện 268 (phường Thuận Lộc) và gần 10 năm nay ở trọ tại nhà số 142 đường Xuân 68 rồi về lại nhà ông Nguyễn Đắc Châu- Tổ 17, khu Thượng Thành (Phường Thuận Lộc- Huế).  Năm 2011, chồng chết do bệnh tim không có tiền chữa trị. Bà con khu vực chợ Xép- đường Ngô Đức Kế thương tình góp tiền lo đám. Bản thân tôi cũng bị bệnh tim nặng gần 10 năm nay, BVTW Huế chỉ định mổ nhưng không có tiền. Con dâu tôi là người dân tộc Chăm. Cả hai vợ chồng đều không biết chữ, làm thuê làm mướn nuôi cả nhà 6 người không đủ ăn. Bà cầu cứu “Nếu UBND tỉnh không giúp đỡ thì gia đình tôi chỉ biết ở gầm cầu. Nghe chủ tịch tỉnh phát biểu sẽ chăm lo cho hộ nghèo tôi rất mừng. Có được cái nhà ở ổn định là ước mong cả đời người chúng tôi”.

Gia đình không có ăn được các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợGia đình không có ăn được các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ

Tìm hiểu được biết, con trai của bà là anh Đặng Văn Trí (tên thường gọi là Lào) không biết chữ, lao động làm thuê, vợ anh, chị Ta Inh Thị Chánh, dân tộc Chăm, bán vé số dạo. Thu nhập của hai vợ chồng rất ít ỏi, không đủ ăn chưa nói đến chăm sóc bà mẹ già bị bệnh tim, không có tiền để mỗ, phải nằm viện dài ngày ở Viện Quân y 268 - Huế; 3 đứa con nhỏ, đứa lớn mới 8 tuổi. Trong đó cháu thứ hai, Đặng Văn Toàn 6 tuổi, vào năm 2017 đau nặng đi bệnh viện được bác sĩ chẩn đoán “Nhiễm trùng máu” mấy năm nay chỉ biết nằm nhà.

Cháu Đặng Văn Toàn và mẹ Ta Inh Thị Chánh ở bệnh viện Y Dược- HuếCháu Đặng Văn Toàn và mẹ Ta Inh Thị Chánh ở bệnh viện Y Dược- Huế

Còn bà Trần Thị Gái: Kết luận của Bệnh viện Trung ương Huế (số hồ sơ 16441) bà bị bệnh động mạch vành 3 thân - thân chung hẹp 80%, ĐM mũ hẹp 70%, ĐM liên thất hẹp 90%, ĐMV phải bán tắc đoạn đầu” và bệnh viện chỉ định rất nguy hiểm đến tính mạng phải phẫu thuật gấp. Thế nhưng do không tiền, không đủ ăn nên không làm gì được…

Bệnh án của bà Trần Thị Gái ở BVTW HuếBệnh án của bà Trần Thị Gái ở BVTW Huế

Một lần, tại cuộc họp giữa UBND phường Thuận Lộc với báo chí về trường hợp gia đình bà Trần Thị Gái do bà Lê Thị Thanh Hường- phó chủ tịch UBND phường chủ trì, ông Trần Ngọc Báu, Bí thư Chi bộ 17 cho biết: Đây là một hộ rất nghèo, không nhà nên không thể đòi hỏi họ có chỗ ở cố định được. Nếu không hỗ trợ kịp thời thì họ còn đi nữa vì không có ăn phải chạy, chủ nhà không cho ở phải đi!

Cuộc họp xét hộ nghèo của gia đình bà Trần Thị Gái ở phường Thuận Lộc- HuếCuộc họp xét hộ nghèo của gia đình bà Trần Thị Gái ở phường Thuận Lộc- Huế

Ông Hồ Trọng Thiện, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Thuận Lộc thì phát biểu “Cần phải hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo này. Đây là hộ nghèo thực sự”

Mới đây, bà Phan Thị Cúc- Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc trao đổi với chúng tôi qua điện thoại bà khẳng định “Hộ bà Trần Thị Gái là hộ nghèo, rất đáng thương, cần phải giúp đỡ. UBND phường đã có văn bản đề nghị lên UBND tỉnh, thành phố hỗ trợ tái định cư (đợt 2)”.

Từ thực tế trên, chúng tôi cho rằng, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến các gia đình thuộc diện chính sách. Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã có thư kêu gọi ủng hộ gia đình nghèo xây dựng, ổn định chỗ ở khi di dời khỏi khu vực Thượng thành- Huế; Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, không dưới chục lần đi thăm khu tái định cư, đến từng hộ nghèo động viên và có ý kiến đề nghị UBND thành phố Huế phải có những chính sách đặc biệt, cho các hộ nghèo đặc biệt, "Phải làm sao để không có hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau, khi đến nơi ở mới, mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn".

Rất mong tình thần chỉ đạo và tính nhân văn của người Lãnh đạo tỉnh quan tâm đến người nghèo sẽ lan toả trong các ban ngành. Hãy lắng nghe bà Trần Thị Gái phải than thở “Đừng đẩy hộ nghèo chúng tôi ra ở ngoài đường!”

                         Minh Tích- Nguyễn Đăng