Điều đáng nói, khi đọc tên 18 dự án nhiều người rất bức xúc vì nhiều địa chỉ ở thành phố như thể vùng sâu, vùng xa thiếu các thiết chế văn hoá; cơ sở hạ tầng xuống cấp; người dân phải sống chung với môi trường vệ sinh ô nhiễm… gần 50 năm nay nhưng không được cấp tỉnh, thành phố quan tâm.
Vỉa hè đường Lê Lợi được đầu tư cách đây mấy năm đã bị phá bỏ để làm mới
Được biết, 18 dự án mà TP Huế quyết định đầu tư, trong đó 5 dự án chỉnh trang vỉa hè được làm trong năm 2020 này. Đó là vỉa hè các đường Lê Huân, Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân, Võ Văn Tần và dự án chỉnh trang bến xe Đông Ba. 13 dự án sẽ khởi công năm 2021 gồm: Dự án đường vào chợ Kim Long; chỉnh trang điểm xanh khu vực dọc Hộ Thành Hào (đoạn từ cửa Quảng Đức đến cửa Nhà Đồ); nâng cấp, mở rộng cầu Duy Tân; nâng cấp, xây dựng cầu Phát Lát; cải tạo, nâng cấp điện chiếu sáng một số tuyến đường trung tâm; điện chiếu sáng các đường, kiệt thành phố; dự án thoát nước các đường kiệt; dự án hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp An Hòa giai đoạn 9 (san nền, giao thông, cấp thoát nước, hệ thống điện); dự án nâng cấp, sửa chữa các đường kiệt 30/69 Đặng Tất; 50 Lê Thánh Tôn; 100 Lê Thánh Tôn; 19 Hoàng Diệu và đường liên phường Hương Long. Tổng cộng 18 dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, HĐND thành phố Huế còn bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 dự án trường Mầm non Hương Sơ (giai đoạn 2) với tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỷ đồng.
Trường tiểu học Phú Lưu (KV6 phường Vỹ Dạ) tồn tại trước 1975 không được đầu tư, bị sập đổ trong bão số 5 vừa qua
Tại cuộc giao ban báo chí chiều ngày 28/9 do ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, các dự án trên là cần thiết nhưng cần hơn là khu vực 6, phường Vỹ Dạ nơi hiện có hơn 5000 người dân sinh sống với trên 1100 hộ nhưng có đến gần 50 năm nay chưa được đầu tư bài bản khiến người dân rất bức xúc.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, cán bộ Sở GD&ĐT cho biết, trong bão số 5 ngày 18/9 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ có trường tiểu học Phú Lưu (khu vực 6, phường Vỹ Dạ) bị sập đổ. Nguyên nhân vì đây là ngôi trường cấp 4 duy nhất có tuổi đời đã 70 năm nhưng không được đầu tư xây dựng. Ông nói thêm, may mà UBND tỉnh quyết định cho học sinh nghỉ học nếu không thời điểm bão vào lúc 8g sáng, nếu trường sập khi học sinh còn học thì không biết hậu quả lớn đến đâu!
Con đường Ưng Bình chỉ hơn 100m, mưa là ngập nhưng hơn 50 năm qua không được nâng cấp
Ông Trần Minh Quả- nguyên ban Thanh tra nhân dân phường Vỹ Dạ bức xúc cho biết: Khu vực 6, phường Vỹ Dạ, hơn 50 năm nay bị chính quyền từ cấp thành phố đến cấp tỉnh “bỏ rơi”. Tất cả đều tồn tại từ trước năm 1975 còn sau này chưa được đầu tư nghiêm túc. Con đường Ưng Bình, trục chính của toàn khu vực chỉ hơn 100m nhưng hơn 50 năm không được nâng cấp, chỉ mưa là ngập. Nhìn học sinh lội nước đi học mà xót cả người, hay họp dân phải mượn nhà dân hay trường học vì Nhà Văn hoá- Trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người dân được xây dựng cách đây 70 năm nay trong tình trạng sắp sập…
Nhà Văn hoá cộng đồng... sắp sập
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Sơn- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thừa nhận, mỗi lần về tiếp dân phường Vỹ Dạ chuẩn bị cho kỳ họp HĐND tỉnh các đại biểu thường xuyên nghe lời kêu than của người dân nơi đây nhưng vì đây là khu vực “quy hoạch treo” nên không đầu tư…
PV Thương hiệu & Công luận từng đặt vấn đề, khu vực 6, phường Vỹ Dạ với chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, ông khẳng định: Không thể để giữa thành phố Huế, đô thị loại 1 lại có “vùng lõm” như thế được. Cồn Hến là khu qui hoạch mở đang chờ đợi các nhà đầu tư… Nhưng dù qui hoạch hay không vẫn phải đảm bảo cuộc sống tốt cho người dân ở nơi đây; không thể để người dân ở trong môi trường sống nhếch nhác, cơ sở hạ tầng không đảm bảo…
Còn ông Huỳnh Cư, nguyên Bí thư, Chủ tịch HĐND TP Huế, khi thông qua chủ trương đầu tư 18 dự án đã phát biểu: Những dự án đầu tư sẽ làm cho Huế ngày càng đẹp và phát triển hơn, tạo sự phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thành phố.
Người dân KV 6, phường Vỹ Dạ mưa là ngồi trên nước
Không biết ai phấn khởi, riêng 5000 người dân khu vực 6, phường Vỹ Dạ, thì không thể vui được khi đây như là vùng đất bị “bỏ rơi” hơn 50 năm qua vì cho rằng vướng qui hoạch… treo. Nhiều lời hứa của các vị lãnh đạo vẫn chưa thực hiện được, như một vị lãnh đạo UBND phường Vỹ Dạ đặt câu hỏi: TP bỏ ra cả trăm tỉ làm đẹp, trong lúc người dân khu vực 6, Vỹ Dạ với hơn 5000 dân chỉ ước có 1 tỉ đồng nhưng mấy mươi năm không có. Chẳng lẽ cứ bỏ mặc người dân sống chung với ô nhiễm, hạ tầng kém cỏi, các thiết chế văn hoá xuống cấp, đất đai không ai quản để tự ý lấn chiếm, mở rộng vô tội vạ… Trong lúc họ vẫn phải đóng thuế nuôi bộ máy như các địa phương khác?
Trần Minh Tích