Bộ Chính trị, ban Bí thư làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác Đại hội
Cụ thể, chiều ngày 15/9, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đại diện các bộ ngành đã có buổi làm việc với Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác chuẩn bị văn kiện và nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Chủ trì hội nghị là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc .
Được biết, đến thời điểm này có 600/600 tổ chức cơ sở Đảng và 16/16 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã đại hội xong. Công tác chuẩn bị văn kiện và nhân sự về Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã cơ bản hoàn thành.
Trong toàn bộ phương hướng, giải pháp của Thừa Thiên Huế đều nhắm mục tiêu, đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Về công tác nhân sự, Thừa Thiên Huế dự kiến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025 có 50 người; Ban Thường vụ 15 người; UBKT Tỉnh ủy 11 người; Đoàn đại biểu đi dự Đại hội XIII của Đảng gồm 18 người. Thừa Thiên Huế kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục cho Thừa Thiên Huế bố trí 3 Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Bộ Chính trị, ban Bí thư chụp ảnh kỷ niệm với đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế (ảnh VPUB TT Huế)
Góp ý kiến với Thừa Thiên Huế, Bộ Chính trị, ban Bí thư, các bộ ngành trung ương cho rằng bên cạnh những thành tựu thì Thừa Thiên Huế quy mô kinh tế còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng chưa cao; một số chỉ tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ chưa đạt. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít; các ngành du lịch, dịch vụ chưa phát triển đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Thừa Thiên Huế cần quan tâm hơn nữa việc thu hút đầu tư, nhất là phát triển các loại hình doanh nghiệp. Quản lý khai thác các giá trị di sản chưa cao; đời sống người dân vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, phải xây dựng Thừa Thiên Huế là trung tâm, nơi hội tụ tiềm năng thế mạnh của khu vực miền Trung. Thừa Thiên Huế cần năng động, sáng tạo hơn nữa; chú ý đến vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, sản xuất, phát triển vùng; có những kết nối các di sản với các địa phương.
Trần Minh Tích