Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Việc di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế được coi là cuộc di dân mang tính lịch sử. Vì vậy, công tác đưa người dân về nơi ở mới phải thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân. Trong đợt một giải phóng mặt bằng (hơn 520 hộ), di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế phải làm thật tốt, tạo được niềm tin trong nhân dân, tạo tiền đề tốt cho các đợt tiếp theo.
Đoàn kiểm tra thực địa khu tái định cư Hương Sơ (Huế)
Được biết, Đề án di dời dân cư khỏi khu vực 1 thuộc Kinh thành Huế tuy gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhưng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cương quyết chỉ đạo tất cả các ban ngành cùng vào cuộc, quyết tâm triển khai, tháo gỡ vướng mắc để cuộc di dời dân cư đợt 1 sớm hoàn thành vào tháng 10 này.
Khu vực 1 di tích Kinh thành Huế có khoảng 4.200 hộ sinh sống. Trong giai đoạn 1 (từ 2019-2021), tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung di dời, tái định cư cho khoảng 2.780 hộ với kinh phí đền bù giải tỏa là 1.880 tỉ đồng và khoảng 1.000 tỉ đồng cho đầu tư cơ sở hạ tầng tái định cư.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chủ trương này đã được Chính phủ cho phép với khung chính sách tương đối thông thoáng nhằm hỗ trợ tối đa cho những hộ dân thuộc diện di dời. Đồng thời, chủ trương này cũng được người dân đồng thuận cao.
Nhà cửa tạm bợ của người dân đang sống ở khu vực Kinh Thành Huế
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Ban quản lý đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế (Ban QLĐT) cho biết: Dự án hạ tầng kỹ thuật phía bắc Hương Sơ được UBND tỉnh phê duyệt được chia thành 2 khu vực (KV) với tổng mức đầu tư hơn 116 tỉ đồng. Đến nay, các nhà thầu thi công đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu xây lắp. Trong đó, gói thầu xây lắp đạt 85% giá trị hợp đồng đối với KV1 và 31% đối với KV2. Dự kiến ngày 15/10 sẽ bàn giao hạ tầng KV1 và 15/11 sẽ bàn giao hạ tầng KV2 để đưa vào sử dụng.
Về thiết kế nhà mẫu, Ban QLĐT phối hợp với các đơn vị tư vấn thiết kế nhiều mẫu nhà theo lô đất TĐC và trình Phòng Quản lý đô thị TP. Huế xem xét. Việc xây dựng trường mầm non tại khu vực này cũng đang được Ban QLĐT phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, tư vấn thiết kế lập chủ trương đầu tư xây dựng trường và đã nộp hồ sơ chủ trương đầu tư tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Sau khi trực tiếp thị sát tại hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ hoan nghênh, đánh giá cao nỗ lực của UBND TP. Huế, Ban QLĐT, các nhà thầu đã hoàn thành các công việc đúng tiến độ. Đồng thời, chỉ đạo lãnh đạo UBND TP. Huế, Ban QLĐT, các nhà thầu cần huy động thêm phương tiện, công nhân nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho người dân đúng thời gian như đã cam kết.
Gia đình bà Trần Thị Gái (con liệt sĩ) có 6 người, không có nhà, hàng chục năm nay sống tạm bợ ở Tổ 17, phường Thuận Lộc (trên Kinh Thành - Huế) đang chờ được tái định cư
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu UBND TP. Huế, Ban QLĐT tổ chức giám sát chặt chẽ tiến độ đầu tư Khu TĐC KV1 và 2; có giải pháp tổ chức thi công phù hợp đảm bảo tiến độ đã đề ra. Tăng cường quản lý chất lượng xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo khu dân cư đồng bộ hạ tầng thiết yếu, chất lượng, mỹ quan và cảnh quan môi trường.
UBND TP. Huế sớm công bố các thông số xây dựng về cốt nền, độ lùi và chiều cao công trình xây dựng để công khai; nghiên cứu và công bố các mẫu thiết kế xây dựng nhà ở phù hợp để người dân lựa chọn; hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế được coi là cuộc di dân mang tính lịch sử, vì vậy, mọi công tác phải thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân.
Trần Hoàng - Minh Nghĩa