Bất chấp mùa mưa lũ, bãi tập kết VLXD của Công ty Phúc Lộc Thịnh vẫn hoạt đồng rầm rộ, các bãi cát được tập kết cao gần chục mét
Cụ thể, theo quy định nơi xây dựng bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi phải phù hợp với địa điểm được quy hoạch xây dựng bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Chiều cao tập kết cát, sỏi tối đa 5m; xung quanh bến bãi phải xây dựng tường bao để đảm bảo cát, sỏi và nước thải không được tràn ra ngoài phạm vi bến bãi...
Đặc biệt, thời gian được sử dụng bến bãi trong năm là mùa khô (từ 1/11 năm trước đến hết 30/4 năm sau). Khi đến mùa mưa lũ (từ 1/5 đến hết 31/10 hằng năm) phải giải phóng bến bãi để không ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của lưu vực.
Quy định là vậy nhưng theo ghi nhận của phóng viên, khi mùa mưa bão đã về các bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Kim Động vẫn hoạt động một cách rầm rộ và tấp nập. Tình trạng các bãi VLXD được chất cao như núi, vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ là điều bằng mắt thường cũng có thể nhận ra.
Chưa dừng lại ở đó, những chuyến tàu chở VLXD như cát, đá, sỏi, than và chở đất vẫn vô tư cập bến mà không gặp bất kỳ sự kiểm tra nào. Trong khi đó, những chiếc xe được cơi nới thùng thành, có dấu hiệu quá tải được huy động để vận chuyển vật liệu xây dựng vô tư chạy ầm ầm trên tuyến đê sông Hồng. Điều này, dường như đang cố tình thách thức các cơ quan chức năng, gây bất bình trong dư luận.
Bãi tập kết VLXD của Công ty Phúc Lộc Thịnh (xã Mai Động) được coi là một trong những bến bãi tập kết VLXD “khủng” nhất về quy mô cũng như số loạt phượng tiện vận tải thường xuyên ra vào trung chuyển VLXD trên địa bàn
Theo ghi nhận, tại khu vực bến bãi của công ty TNHH thương mại Phúc Lộc Thịnh, DN này không chỉ kinh doanh vật liệu xây dựng mà còn dựng cả một trạm trộn bê tông với hàng chục lượt xe bồn vận chuyển bê tông thành phẩm ra vào mỗi ngày, ngay trên phần đất thuộc dự án Điểm tập kết, sơ chế than và kinh doanh vật liệu xây dựng đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt chủ trương tại Quyết định số 113/QĐ- UBND ngày 15/9/2016.
Mỗi ngày có hàng chục xe Howo, xe bồn vận chuyển bê tông đi ra từ khu bến bãi của Công ty Phúc Lộc Thịnh khiến người tham gia giao thông sống chung với cảnh khỏi bụi, mất an toàn
Những diện tích đất nông nghiệp được doanh nghiệp tận dụng triệt để để làm bãi tập kết cát; dưới bến thủy nội địa những chiếc máy xúc, xe tải, những chiếc tàu hút vẫn đang sẵn sàng hoạt động hết công suất vận chuyển cát vào bãi tập kết bên trong.
Được biết, Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh (Công ty Phúc Lộc Thịnh) được UBND tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu số 051010006001 cho dự án “Dự án đầu tư khai thác cát” vào ngày 24/9/2013. Tiếp đó, ngày 25/10/2016, UBND tỉnh Hưng Yên lại có Quyết định số 146/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương cho dự án “Bến trung chuyển và kinh doanh vật liệu xây dựng I”, đồng thời, ngày 30/6/2014, công ty này được cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1044/GP-UBND bằng phương pháp lộ thiên mỏ cát bãi bồi tại xã Mai Động.
Bãi cát khổng lồ và những đường ống dùng để bơm cát lên bãi tập kết
Tuy nhiên, trước đó, tại kết luận thanh tra số 491/KL-UBND ngày 17/12/2018 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng quản lý, sử dụng đất, khai thác cát, kinh doanh bến bãi VLXD, thì Công ty Phúc Lộc Thịnh còn tồn tại rất nhiều sai phạm như: Đối với dự án đầu tư khai thác cát, công ty gửi báo cáo về tình hình thực hiện dự án, báo cáo giám sát cho cơ quan đầu mối còn chưa đầy đủ theo quy định; Đối với dự án điểm tập kết, sơ chế than và kinh doanh VLXD thì chưa hoàn thành xong thủ tục về đất, chưa hoàn thành tất cả các hạng mục công trình, chưa đưa toàn bộ dự án vào hoạt động là chậm so với Quyết định chủ trương đầu tư. Đặc biệt, việc xây dựng nhiều hạng mục công trình sai vị trí, không có trong quy hoạch tổng thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cộng thêm việc lắp trạm trộn bê tông tại khu đất số 2 là không thực hiện đúng hoạt động đầu tư.
Khu vực đặt trạm trộn bê tông và một khu nhà điều hàng mới được hoàn thiện mà người dân cho rằng đây là nơi công ty Phúc Lộc Thịnh sẽ xây dựng cửa hàng xăng dầu?
Chưa hết, vào thời điểm ngày 16/8/2019, PV ghi nhận được Công ty Phúc Lộc Thịnh đã cho xây dựng xong một khu nhà điều hành mới ngay gần sát mặt đê. Theo nhiều người dân, thì tại vị trí này, Công ty Phúc Lộc Thịnh sẽ tiến hành xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu (!?).
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Kim Động còn một số một số DN khác cũng đang hoạt động tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng (chủ yếu là cát đen, cát vàng) như: Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Vi Thành (xã Thọ Vinh), Công ty TNHH Xuân Hồng (xã Thọ Vinh), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Thịnh (xã Phú Thịnh), Công ty TNHH DV&TM Hoàng Anh (xã Mai Động), Công ty TNHH Phúc Lộc Thịnh (xã Mai Động).
Khu vực bãi tập kết của Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Vi Thành (xã Thọ Vinh) cạnh bến đò Vườn Chuối
Khu vực tập kết không phép của công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Thịnh (xã Phú Thịnh) nằm sát bãi tập kết của Công ty TNHH Xuân Hồng
Điều đáng nói, tất cả bến bãi của các DN này cũng như Công ty Phúc Lộc Thịnh dường như đang bỏ quên quy định về hoạt động bến bãi trong mùa mưa lũ khi mà các DN này vẫn đang cho hoạt động bơm cát đen từ ngoài sông Hồng lên khu vực bãi tập kết tạo thành những núi cát khổng lồ. Đặc biệt, tình trạng những chiếc xe Howo có tải trọng hàng chục tấn vẫn ra vào để chuyên chở cát đen, cát vàng đi tiêu thụ. Điều này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân trên địa bàn.
Từ ghi nhận thực tế, có thể thấy rất rõ hoạt động của các bến bãi trong mùa mưa lũ là chưa tuẩn thủ quy định. Những núi cát cao cả chục mét vẫn được doanh nghiệp tập kết ngay sát mép sông Hồng. Hoạt động bơm cát từ ngoài sông Hồng vào bãi sau đó được những dàn xe chuyên chở đi tiêu thụ cứ thế lặp đi lặp lại.
Câu hỏi đặt ra, vì sao bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng này vẫn có thể hoạt động trong mùa mưa lũ mà không được cơ quan chức năng xử lý? Trong mùa mưa bão, các mỏ cát phải đóng cửa theo quy định nhưng vẫn có hàng vạn mét khối cát đen, cát vàng được bơm lên các bến bãi của doanh nghiệp. Vậy chúng ở đâu ra? Có hay không việc doanh nghiệp thu mua cát từ hoạt động của “cát tặc” để buôn bán trái phép?
Hải Minh