Các nhà báo Việt Nam và khách quốc tế dự Đại hội I, Hội những người viết báo Việt Nam
Ngày 4/4/1949, tại Việt Bắc, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, đoàn báo chí kháng chiến Việt Nam đã khai giảng Trường dạy làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng - khóa học đầu tiên và duy nhất gồm 42 học viên là những cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự. Hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy là những đồng chí lãnh đạo giầu kinh nghiệm chính trị, phong phú về lý luận, thực tiễn và những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân…
Đến đầu năm 1950, trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ báo chí, Hội nghị những người viết báo Việt Nam được thành lập vào ngày 21/4/1950 (tại xóm Roòng Khoa, Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên).
Hội nghị đã thống nhất thông qua điều lệ, chương trình hoạt động và bầu ra Ban chấp hành hội gồm: Ông Xuân Thủy làm hội trưởng, các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm hội phó, ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.
Trong bức thư thứ nhất đăng trên Báo Cứu Quốc số 1264 ra ngày 9/6/1949 biểu dương những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo. Theo đó, Người nêu, muốn viết báo thì cần: “Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người; Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; Luôn luôn gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Hội những người viết báo Việt Nam chuyển về Hà Nội - trụ sở chính đặt tại số 59 Lý Thái Tổ.
Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay cả nước đã có nhiều cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cao đẳng tới tiến sỹ. Hiện nay, cả nước có hơn 900 cơ quan báo chí và 50 nghìn người làm báo.
Sau 70 năm thành lập và hoạt động, Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng, sự ủng hộ, tạo điều kiện của Nhà nước, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.
Luật Báo chí 2016 ban hành với nhiều điểm mới đã tạo điều kiện cho hoạt động báo chí thuận lợi, hiệu quả hơn, trong đó có Điều 8 đã luật hoá những quy định bắt buộc về tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Sự nghiệp đổi mới của đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực tạo điều kiện, cơ hội cho sự phát triển của báo chí và hoạt động của tổ chức hội.
Sự chỉ đạo, điều hành sát đúng của Ban Thường vụ, Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam trong việc đề ra chương trình công tác toàn khóa cũng như kế hoạch hoạt động từng năm, lãnh đạo cơ quan Trung ương hội và các cấp hội tổ chức thực hiện hiệu quả.
Sự đồng thuận, ý thức trách nhiệm, niềm say mê nghề nghiệp ngày càng cao của đội ngũ người làm báo.
Những năm qua, đội ngũ những người làm báo cả nước đã tích cực tuyên truyền những thành tựu to lớn, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đất nước trong công cuộc đổi mới, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; đấu tranh chống các âm mưu, hành động, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đặc biệt báo chí đã tham gia rất hiệu quả vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra ngày 7-9/8/2015
Thực hiện Nghị quyết Đại hội X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) với 11 nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động của các cấp hội trong nhiệm kỳ qua có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu; vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội ngày càng được nâng cao, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội, quy tụ, thu hút đông đảo các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước.
Trong đó, nổi bật là tổ chức thành công Hội Báo toàn quốc các năm 2016, 2017, 2018 và 2019; Triển khai thực hiện Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo các cấp; Rà soát tổ chức Hội và chất lượng đội ngũ hội viên thông qua đổi thẻ giai đoạn 2016-2021; Thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam; Ra mắt Cổng thông tin điện tử.
Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các dơn vị, địa phương tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TƯ của Ban Bí thư “Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”, thành công xuất sắc trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ), nhiệm kỳ 2015-2017.
70 năm qua, đội ngũ những người làm báo Cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, không ngừng bồi đắp truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Vai trò, vị thế của Hội nhà báo Việt Nam trong đời sống xã hội tiếp tục được nâng cao.
Hội Nhà báo Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng.
Nguyễn Kiên