Báo Thương hiệu và công luận nhận được đơn khiếu nại của bà Hoàng Thị Lưu, sinh năm 1964, trú tại thôn Tằm Nguyên, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, về việc đề nghị Báo chí và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết việc tranh chấp đất giữa gia đình bà Lưu với gia đình ông Hoàng Văn Hồng và bà Hoàng Thị Bạch trên thửa đất mà gia đình bà Lưu đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất.

Cũng trong đơn, bà Lưu cho rằng Quyết định tại Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2014/DS-ST của Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc (TAND Cao Lộc) là chưa đúng, không công bằng và thiếu khách quan.

Khu rừng đang tranh chấp có địa danh Vằng Cụ (Pá Phà) thuộc thôn Tằm Nguyên, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn là của bố mẹ chồng bà Lưu để lại qua nhiều đời trước đó. Do quản lý sử dụng ổn định nên năm 1995 Nhà nước đã cấp sổ bìa xanh cho chồng bà là ông Hoàng Văn Nhất được quản lý sử dụng khu rừng trên thuộc lô số 1, mảnh 199 với diện tích được giao là 3,08ha. Năm 1997 thì chồng bà Lưu mất, đến năm 2009 thì Nhà nước cho đo đạc lại để cấp sổ đỏ mang tên bà Hoàng Thị Lưu, thì diện tích có tăng lên là 38.226m2 (3,92ha). Việc Nhà nước cấp sổ bìa xanh và sổ bìa đỏ cho gia đình bà Lưu quản lý và sử dụng là do gia đình bà Lưu quản lý sử dụng ổn định, không có tranh chấp.

Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Hồng cho rằng có “nghe nói” bố chồng bà Lưu đã bán cho bố ông Hồng chỗ diện tích đất rừng bà Lưu đang sử dụng, nhưng không có giấy tờ gì. Bà Lưu cho rằng, việc mua bán bằng mồm trên đây là bịa đặt, là hết sức vô lý và không có căn cứ. Bởi vì ông Hồng sinh năm 1967  thì không thể biết chính xác và khẳng định là năm 1963 bố mình đã mua rừng với bố chồng bà Lưu bằng mồm.

Ông Hồng còn cho rằng năm 1994 – 1995 có “đi kê khai thì UBND xã nói không phải rừng dự án do vậy không thể kê khai cấp sổ bìa xanh được”. Điều này cũng hết sức phi lý và không căn cứ, bởi vì vào thời kỳ những năm 1994 – 1995 việc giao đất giao rừng cho nhân dân quản lý và sử dụng là thực hiện Luật đất đai 1993 để phủ xanh đất trồng đồi núi trọc, tạo điều kiện cho người dân yên tâm để phát triển kinh tế đồi rừng để có thêm thu nhập nhằm xóa đói giảm nghèo, không phân biệt rừng có dự án hay rừng không có dự án.

Nhiều lần gia đình ông Hồng vẫn lên khu rừng hái củi và hái quả sở khiến cho việc tranh chấp càng trở nên căng thẳng. Sau nhiều lần Ban hòa giải của xã Tân Liên mời hai gia đình đến làm việc nhưng không có kết quả, ngày 04/11/2013 bà Lưu đã gửi đơn lên TAND Cao Lộc đề nghị giải quyết.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2014/DS-ST ngày 12/6/2014, TAND Cao Lộc đã quyết định: “… Diện tích đất tranh chấp nằm trong thửa số 811, tờ bản đồ số 1, bản đồ địa chính xã Tân Liên năm 2008 đã được UBND huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cấp GCNQSDĐ ngày 10/12/2009 mang tên Hoàng Thị Lưu”.

Thế nhưng TAND Cao Lộc lại quyết định “Tạm giao số diện tích đất tranh chấp 6.145m2 cho gia đình ông Hoàng Văn Hồng và bà Ngô Thị Bạch tiếp tục quản lý…”; “Hủy một phần Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đối với diện tích đất hiện đang tranh chấp mà UBND huyện Cao Lộc đã cấp cho bà Hoàng Thị Lưu ngày 10/12/2009, tổng diện tích được cấp 39.226m2. Diện tích bị hủy là 6.161m2”. (?).

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn (VKSND Lạng Sơn) đã ra Quyết định số 22/QĐ-KNPT-P5 ngày 10/7/2014 về việc kháng nghị bản án dân sự số 03/2014/DS-ST ngày 12/6/2014 theo thủ tục phúc thẩm, với nội dung: nhận thấy quá trình giải quyết của TAND Cao Lộc đã có một số vi phạm sau: Về nguồn gốc diện tích đất tranh chấp 6.161m2 xác định là của ông Hoàng Văn Bạo bố đẻ ông Hoàng Văn Nhất để lại, năm 1995 hộ ông Nhất được UBND huyện Cao Lộc quyết định giao quyền quản lý, sử dụng rừng và đất trồng rừng; năm 1997 ông Nhất chết; năm 2009 bà Hoàng Thị Lưu được UBND huyện Cao Lộc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích trên. Các nhân chứng của nguyên đơn và nhân chứng của bị đơn đều thừa nhận khi có chủ trương cán bộ thôn có đi thông báo đến từng hộ, khi đi kê khai cấp sổ, có cán bộ Kiểm lâm cùng đi, các hộ có rừng cùng đi xác định ranh giới, nếu hộ nào có rừng chưa cấp sổ bìa xanh cũng đi nhận rừng để cấp sổ đỏ cùng đợt năm 2009.

VKSND Lạng Sơn cho rằng, Bản án sơ thẩm căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên đương sự tại Biên bản hòa giải tranh chấp đất tại UBND xã Tân Liên ngày 01/11/2011 đã kết luận: “Cây do vợ chồng ông Hồng trồng nay phải chặt đi để trả lại đất cho bà Lưu” để từ đó nhận định gia đình ông Hồng trồng cây sở và quản lý rừng từ năm 1963, đồng thời căn cứ vào kết luận giám định tuổi cây của cơ quan chuyên môn để bác yêu cầu khởi kiện của bà Lưu là chưa đảm bảo căn cứ…

Với những vi phạm nêu trên, VKSND Lạng Sơn đã ra quyết định “Kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm số 03/2014/DS-ST ngày 12/6/2014 của TAND huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Đề nghị TAND tỉnh Lạng Sơn xử sửa bản án dân sự sơ thẩm số 03/2014/DS-ST ngày 12/6/2014 theo hướng phân tích trên”.

Có thể nói rằng, với những vi phạm mà VKSND Lạng Sơn đã nêu, bản án số 03/2014/DS-ST ngày 12/6/2014 của TAND Cao Lộc được tuyên đã khiến cho dư luận quần chúng nhân dân bức xúc và bất bình. Điều này sẽ tạo tiền lệ xấu, tạo cơ hội cho những kẻ xấu bất chấp pháp luật, tạo chứng cứ giả, nhân chứng giả để lấn chiếm trái phép đất đai của người khác, gây nguy cơ mất đoàn kết, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong nhân dân.

Bà Hoàng Thị Lưu tha thiết đề nghị cơ quan chức năng huyện Cao Lộc và tỉnh Lạng Sơn xem xét và giải quyết vụ việc đúng với pháp luật của Nhà nước, để  gia đình bà tiếp tục được quản lý và sử dụng diện tích 6.145m2 đất vốn đã nằm trong thửa đất số 811 có diện thích 3,92ha mà Nhà nước đã cấp sổ bìa đỏ cho gia đình bà quản lý và sử dụng.

Báo Thương hiệu và công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc.

Nhóm PV.