Định Hóa đã triển khai một số chính sách lâm nghiệp như Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của Chính phủ theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP, ngày 9/9/2015...Trong đó, việc đưa cây quế vào phát triển kinh tế đồi rừng là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với quy định của Nhà nước, cũng như quy hoạch của tỉnh và của huyện, đưa cây quế trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương.
Cây quế được người dân đưa vào trồng theo dự án định canh, định cư (từ cuối những năm 1990), được khoảng trên 200 ha. Năm 2015, sau nhiều lần nghiên cứu và học tập kinh nghiệm từ “thủ phủ” trồng quế tại huyện Văn Yên (Yên Bái), Định Hóa đã phối hợp với Công ty TNHH Vũ Hoa (trụ sở tại thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa) xây dựng dự án trồng quế trên địa bàn huyện, giai đoạn 2015 - 2020. Đến nay, qua 7 năm thực hiện, địa phương đã triển khai trồng tập trung trên địa bàn tổng cộng trên 2.924 ha; phấn đấu đến năm 2030, diện tích quế đạt 10.000 ha, hàng năm, toàn huyện trồng trên 500 ha quế, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 60% vào năm 2025.
Ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai các Nghị quyết của tỉnh, Huyện ủy, HĐND huyện; ban hành quyết định giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch phân công chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 cho các cơ quan, đơn vị.Trong đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo quy định: Triển khai kế hoạch trồng rừng đến các xã, thị trấn; tổ chức thiết kế trồng rừng theo Dự án 345 ha (gồm 305 ha quế và 40 ha cây keo); tiếp tục phát triển đưa cây quế trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương...Toàn huyện đã tổ chức trồng rừng đạt 748,27 ha, bằng 74,8% kế hoạch 2021; phấn đấu đảm bảo đạt chỉ tiêu mỗi năm trồng từ 500 ha quế trở lên theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, hiệu quả của cây quế được tận dụng triệt để: Cành, lá để chưng cất tinh dầu, vỏ quế làm thuốc chữa bệnh và gia vị, gỗ quế được sử dụng trong xây dựng...Vì vậy, lợi ích kinh tế của cây quế đem lại là vượt trội so các loại cây lâm nghiệp khác, lại được doanh nghiệp thu mua tận nơi. Sản phẩm lá, cành quế tươi đang được thu mua tại địa phương với giá 1.500 đồng/kg; vỏ quế tươi 20.000 đồng/kg; thân cây 2,8 triệu đồng/m3. Trên thị trường, sản phẩm từ cây quế thường sử dụng làm thuốc, gia vị, đồ thủ công mỹ nghệ, gia dụng, làm hương liệu để sản xuất nước hoa...Trong thời gian triển khai chương trình trồng quế, Định Hóa cân đối một phần ngân sách địa phương, lồng ghép với ngân sách hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh hỗ trợ người dân trồng quế.
Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ban quản lý rừng ATK Định Hóa (đơn vị thực hiện dự án) liên kết với Công ty TNHH Vũ Hoa, hỗ trợ toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu như cây giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế (220 lớp với 10.648 lượt người tham gia) cho người dân cam kết thu mua lại toàn bộ SP cho các hộ dân tham gia dự án để phục vụ nhà máy chế biến tinh dầu tại địa phương.
Hoàng Thiệp