Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đất đang tranh chấp
Trong đơn thư gửi tới các cơ quan báo chí, ông Vũ Thanh Đảm trú tại thôn 4, xã Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) cho biết: “Năm 1977, thực hiện chỉ thị 208 và Nghị quyết 61 của Hội đồng Chính phủ về việc tổ chức lại sản xuất. Gia đình tôi thuộc diện chuyển vùng, Nhà nước thu hồi lại toàn bộ phần đất thổ cư đang ở cũ và đền bù tài sản cây cối hoa màu trên đất đồng thời đền bù lại phần đất thổ cư đang ở, theo biên bản giao đất ngày 10/5/19777 của UBND xã Sóc Đăng. Ban khoanh vùng Hợp tác xã Sóc Đăng đã tiến hành đo đạc và giao đất cho gia tôi với nội dung cụ thể như sau: Diện tích tiêu chuẩn 1000m2 đã cấp 1054m2. Chiều dài ven đường cõi ông Hỷ đến cõi ông Sản là 62m; Giáp bà sở 60m từ cây núc nác cõi ông Hỷ qua cây mít 1m đi qua cây khế và đến cây sảng làm cõi; Chiều rộng: Giáp cõi ông Hỷ là 17m, đoạn giữa từ đường lên đến cây khế là 20 cõi ông Sản là 19m; Đất đã trừ 2m đánh đường và 5m ven ruộng”.
Biên bản giao đất thổ cư cho hộ gia đình ông Vũ Thanh Đảm
Ông Đảm cũng cho biết thêm, tại biên bản giao đất có ghi rõ: Những cây lưu niên trong diện tích đất cấp cho ông Đảm thì Bà Sở phải chặt hạn ngày 31/5/1977 bà Sở phải thu hồi xong. Diện tích đất trên ông Đảm được quyền sử dụng vào đất thổ cư kể từ ngày lập biên bản. Khi giao đất, ban khoanh vùng, đo đạc và giao đất có đầy đủ các thành phần của chính quyền địa phương thực hiện gồm có: Ông Vũ Luật là Phó chủ tịch UBND xã Sóc Đăng kiêm trưởng công an xã làm trưởng ban (hiện đang sinh sống tại địa phương), ông Nguyễn Trang là cán bộ địa chính xã Sóc Đăng (hiện đang sinh sống tại địa phương) và ông Đào Văn Nhạ là Trưởng ban kiểm soát xã (hiện nay đã chết).
Ông Vũ Thanh Đảm đang chỉ phần đất được cho là gia đình ông Vũ Xuân Thủy lấn chiếm
Trong đơn kiến nghị, ông Vũ Thanh Đảm trình bày, ngay sau khi tái định cư về nơi ở mới, gia đình ông đã làm đường vào cổng nhà cùng về phía nhà ông Vũ Sản. Ông Đảm cho biết: “Năm 1977 UBND xã Sóc Đăng đã giao đất thổ cư cho gia đình tôi trong đó có một phần đất của ông Hoàng Văn Sở và ông Vũ Sản. Phần đất mà ông Vũ Sản hiện đang sử dụng làm ngõ đi chính là phần đất mà gia đình tôi được giao”.
Để làm sáng tỏ, ông Đảm giải thích thêm, trước khi gia đình ông về ở phần đất được giao thì ngõ và bụi tre lộc ngộc mà ông Sản sử dụng đã có từ trước. Đến năm 1977, khi gia đình mình được nhà nước giao đất thì bụi tre lộc ngộc đã được nhà ông Sản chặt phá, thu gom để trả lại mặt bằng cho Hợp tác xã.
“Sau khi nhận bàn giao đất xong, phần diện tích đất phía bên ngoài cổng nói trên thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình tôi. Khi đó, bụi tre lộc ngộc mọc măng trở lại, gia đình tôi không phá bỏ gốc mà lại tiếp tục chăm sóc rồi khai thác cho đến khi gia đình ông Sản và anh Thủy (con trai ông Sản) tự ý chặt phá, hủy hoại tài sản của gia đình tôi”, ông Đảm cho hay.
Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông Vũ Xuân Thủy vì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật đất đai
Năm 2000, chính quyền địa phương xã Sóc Đăng thực hiện chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các hộ gia đình. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, các hộ đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD) nhưng gia đình ông Vũ Thanh Đảm vẫn không được cấp GCNQSDĐ với lý do là đất có tranh chấp.
“Trong khi gia đình tôi đã có đủ hồ sơ hợp pháp lý là biên bản giao đất của cơ quan nhà nước thì không được cấp GCNQSDĐ với lý do là đất tranh chấp, còn gia đình ông Sản không có một chứng cứ hồ sơ gì về quyền sử dụng đất hợp pháp của mình. Thửa đất giáp ranh đang lấn chiếm sang hộ đất có tranh chấp lại được chính quyền địa phương cho chia tách thửa cho 03 người con trai của ông Sản. Trong đó, có phần đất của ông Vũ Xuân Thủy (đã được cấp GCNQSDĐ) lấn chiếm vào một phần diện tích đất thổ cư của nhà tôi”, bà Hoàng Thị Lũ, vợ ông Đảm bức xúc cho biết.
Ngay sau khi biết ông Vũ Xuân Thủy (con trai ông Vũ Sản) được cấp GCNQSDĐ có phần diện tích chồng lấn sang diện tích của nhà mình, ông Vũ Thanh Đảm đã làm đơn đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số P 458883 do UBND huyện Đoan Hùng đã cấp cho ông Vũ Xuân Thủy ngày 17/03/2000. Thực hiện bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, đến ngày 23/11/2016 UBND huyện Đoan Hùng đã ra quyết định số 3431/QĐ – UBND ngày 23/11/2016 về việc thu hồi GCNQSDĐ của ông Vũ Xuân Thủy vì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật đất đai.
Như vậy, việc UBND huyện Đoan Hùng đã nhận thấy sai sót và quyết định hủy giấy chứng nhận trên cho thấy hộ gia đình ông Thủy không phải là người sử dụng hợp pháp đối với phần đất đang tranh chấp. Căn cứ pháp lý duy nhất để chứng minh hộ gia đình ông Thủy là chủ sử hữu phần đất đang tranh chấp cũng không còn.
Bản án bỏ qua tình tiết quan trọng
Như đã nói ở trên, ngay sau khi UBND huyện Đoan Hùng ra Quyết định thu hồi GCNQSDĐ của ông Vũ Xuân Thủy vì cấp giấy chứng nhận quyền sử dựng đất không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật đất đai, ông Vũ Thanh Đảm đã làm đơn đề nghị Tòa án nhân dân huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ căn cứ vào các quy định pháp luật buộc hộ gia đình ông Vũ Xuân Thủy và người có quyền, lợi ích liên quan là ông Vũ Sản thực hiện trả lại phần đất đã lấn chiếm của gia đình mình và bồi thường tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp bao gồm: 01 bụi tre lộc ngộc đã bị gia đình anh Thủy phá hủy.
Sau khi nhận được đơn khởi kiện, ngày 29/10/2018, Tòa án nhân dân huyện Đoan Hùng đã ra Quyết định số 09/2018/QĐXX-ST ngày 02/10/2018, đưa vụ án tranh chấp đất nói trên ra xét xử. Tại phiên xét xử này, Tòa án nhân dân huyện Đoan Hùng đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của gia đình ông Vũ Thanh Đảm về việc yêu cầu ông Thủy trả lại 126,8m2 đất đã lấn chiếm; không chấp nhận việc gia đình ông Đảm yêu cầu ông Thủy bồi thường giá trị bụi tre lộc ngộc cũng như tiền khai thác giá trị đất.
Lý do Tòa án nhân dân huyện Đoan Hùng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của gia đình ông Vũ Thanh Đảm là do, Tòa đã xác định diện tích 126,8 m2 hiện ông Đảm, bà Lũ khởi kiện ông Thủy là diện tích đất thuộc quyền sử dụng của ông Thủy. Diện tích đất này không nằm trong diện tích đất mà UBND xã Sóc Đăng đã giao cho ông Đảm theo biên bản giao đất ngày 10/5/1977 nên yêu cầu khởi kiện của ông Đảm, bà Lũ không được chấp nhận.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cây cối hoa màu trên đất của gia đình ông Vũ Thanh Đảm và gia đình ông Vũ Xuân Thủy được coi là chứng cư quan trọng vì nó chứng mình phần diện tích đất đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu hợp pháp của hộ ông Vũ Thanh Đảm
Về việc không chấp nhận gia đình ông Đảm yêu cầu ông Thủy bồi thường giá trị bụi tre lộc ngộc cũng như tiền khai thác giá trị đất là do ông Vũ Sản là bố đẻ ông Thủy trồng trước năm 1977 trên diện tích thuộc quyền sử dụng của ông Vũ Sản trước đây, nay thuộc quyền sử dụng của ông Thủy, hiện bụi tre đã bị phá bỏ chỉ còn 27 gốc nên không xác định được giá trị bụi tre. Đối với việc khai thác diện tích đất tranh chấp, ông Thủy là người trực tiếp khai thác lợi ích diện tích đất từ năm 2000 cho đến nay nhưng diện tích đất này thuộc quyền sử dụng của ông Thủy vì vậy, hai yêu cầu trên của ông Đảm, bà Lũ là không có căn cứ nên không được chấp nhận.
Ngay sau khi có quyết định của bản án, gia đình ông Đảm đã làm đơn kháng cáo với lý do Tòa án nhân dân huyện Đoan Hùng đã bỏ qua tình tiết quan trọng có tính chất quyết định tới bản án này.
Theo đó, trong Biên bản hòa giải ngày 23/10/2014 tại trụ sở UBND xã Sóc Đăng các bên tham gia đã thống nhất chọn phương án ông Vũ Thanh Đảm nhượng lại mảnh đất cùng bụi tre lộc ngộc cho ông Vũ Xuân Thủy để trực tiếp quản lý và sử dụng lâu dài. Cùng ngày 23/10/2014, các bên đã lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cây cối hoa màu trên đất, trong đó thống nhất:
“1. Hộ ông Vũ Thanh Đảm đồng ý chuyển nhượng lại toàn bộ phần đất cùng cây cối hoa mầu cho hộ ông Vũ Xuân Thủy và bà Trần Thị Hồng Nhung quản lý và sử dụng lâu dài từ ngày 25/10/2014.
2. Hộ ông Vũ Xuân Thủy và bà Trần Thị Hồng Nhung đồng ý nhận chuyển nhượng lại toàn bộ phần đất và cây cối hoa màu trên đất (búi lộc ngộc) và trả cho ông Vũ Thanh Đảm, bà Hoàng Thị Lũ số tiền là 15.000.000 đồng (mười lăm triệu đồng chẵn).
3. Sau khi hộ ông Thủy, bà Nhung trả tiền cho hộ ông Đảm, bà Lũ xong thì toàn bộ phần diện tích đất và cây cối hoa mầu sẽ thuộc về hộ ông Thủy –Nhung quản lý và sử dụng lâu dài.”
Hợp đồng chuyển nhượng này có đầy đủ chữ ký của bên nhận chuyển nhượng (ông Thủy và bà Nhung), đại diện UBND xã Sóc Đăng (ông Cao Huy Hòa), cán bộ địa chính (ông Nguyễn Văn Bích,cũng đồng thời là con rể ông Sản, tức em rể ông Thủy), cán bộ tư pháp (ông Lê Hạnh Nguyên).
Đây là chứng cứ rất quan trọng, chứng minh rằng hộ gia đình ông Vũ Xuân Thủy đã chính thức thừa nhận phần diện tích đất đang tranh chấp là thuộc quyền sở hữu hợp pháp của hộ gia đình ông Vũ Thanh Đảm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà Tòa án nhân dân huyện Đoan Hùng lại bỏ qua chi tiết này và khẳng định diện tích 126,8 m2 hiện ông Đảm, bà Lũ khởi kiện ông Thủy là diện tích đất thuộc quyền sử dụng của ông Thủy. Diện tích đất này không nằm trong diện tích đất mà UBND xã Sóc Đăng đã giao cho ông Đảm theo biên bản giao đất ngày 10/5/1977?
Từ bản án này cho thấy, điểm mờ trong vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất, bồi thường thiệt hại tài sản trên đất và giá trị khai thác lợi ích đất” cần thiết phải được xem xét lại ở cấp phúc thẩm để làm sáng tỏ những điểm mờ trên. Có như vậy, sự việc mới được xem xét một cách thấu đáo dựa trên những chứng cứ, lý lẽ thuyết phục và qua đó, xã hội mới đồng thuận, tin tưởng vào tinh thần thượng tôn pháp luật.
Thiên Trường