Phát huy lợi thế từ sản xuất nông nghiệp

Năm 2018, Giao Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định “Xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Giao Thủy đạt được nhiều kết quả cao.

Đường làng, ngõ xóm Duy Tắc Tây, xã Giao Tân sạch đẹp, ven đường có hoa nở khoe sắc cả ngày
Đường làng, ngõ xóm Duy Tắc Tây, xã Giao Tân, huyện Giao Thủy sạch đẹp, ven đường có hoa nở khoe sắc cả ngày

Lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy cho biết, đến nay 100% hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện được nhựa hóa, cứng hóa, đảm bảo tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

Trên các trục đường có biển báo, biển chỉ dẫn, đèn chiếu sáng, gờ giảm tốc, rãnh thoát nước và hệ thống cây xanh, đảm bảo “Sáng, xanh, sạch, đẹp”. Hiện toàn huyện có trên 523 km tuyến đường cây, hoa.

“Là huyện ven biển nên công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn luôn được quan tâm; các công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn trước mùa mưa bão. 100% tuyến đê biển đã được kiên cố hóa bằng nhựa và bê tông, bề mặt rộng khoảng 5,0m”, vị này bộc bạch.

Với lợi thế về sản xuất nông nghiệp, Giao Thủy xác định 3 cây lương thực gồm lúa, lạc, khoai tây và 2 sản phẩm thủy sản gồm ngao, tôm là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Theo lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy, tổng diện tích lúa hàng năm khoảng 14.000 ha, diện tích cây màu trên 1.800 ha, diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản 5.100 ha. Toàn huyện có 45 Hợp tác xã, trong đó có 41 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Những ngôi nhà cao tầng, khang trang ở xã Giao Tân, huyện Giao Thủy
Những ngôi nhà cao tầng, khang trang ở xã Giao Tân, huyện Giao Thủy

Các Hợp tác xã nông nghiệp đều thực hiện được 5 - 6 loại dịch vụ và tham gia liên kết sản xuất để tiêu thụ nông sản cho các thành viên; doanh thu và thu nhập của các Hợp tác xã hàng năm tăng từ 5 - 7%.

Ngoài ra, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung triển khai gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay huyện có 105 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh.

Các sản phẩm OCOP có tem nhãn, bao bì đẹp, tiện dụng, có mã QR truy suất nguồn gốc và được quảng bá, giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội.

Đặc biệt, du lịch đang là một trong những tiềm năng lợi thế phát triển của huyện với các loại hình du lịch, thu hút nhiều khách tham quan. Hằng năm, các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn huyện tiếp đón khoảng trên 250.000 lượt khách trong nước và nước ngoài.

“Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 84,46 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều của các xã giảm mạnh, chỉ còn 0,76%; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế trên toàn huyện đạt 95,80%”, lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy thông tin.

Bài học, kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy cho biết, để có được kết quả cao trong xây dựng nông thôn mới nâng cao cần phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến các thôn. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò rất quan trọng.

Camera an ninh được lắp đặt ở nhiều địa phương trong huyện
Camera an ninh được lắp đặt ở nhiều vị trí tại các địa phương trong huyện Giao Thủy

Phát huy vai trò chủ thể của người dân, tuyên truyền để làm cho người dân hiểu, tin, hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, góp công, góp của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó thường xuyên nắm bắt, vận dụng chủ trương, chính sách mới của trung ương, của tỉnh và huyện để xây dựng kế hoạch hàng năm, có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp. Cần tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm các hạng mục công trình có vai trò thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

“Đặc biệt, không chủ quan, nóng vội trong xây dựng nông thôn mới, phải căn cứ từ tình hình thực tế đã có, vừa làm, vừa học tập kinh nghiệm, vận dụng tốt các quy định, lấy chất lượng, hiệu quả là mục tiêu quan trọng để đánh giá tiêu chí…”, lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy, thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngoài ra, tập trung phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn; tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp với phát triển dịch vụ, du lịch theo quy hoạch; xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể…

Phấn đến năm 2030, huyện đạt chuẩn các tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn đạt >100 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều xuống dưới 0,5%, tỷ lệ người dân nông thôn tham gia Bảo hiểm y tế đạt trên 98%.

Giao Phong, huyện Giao Thủy
Xã Giao Phong, huyện Giao Thủy đang đổi thay từng ngày

Vừa qua, tại Hà Nội, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã tổ chức hội nghị Hội đồng thẩm định Trung ương xét, công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, các thành viên Hội đồng, các chuyên gia phản biện.

Về phía tỉnh Nam Định, có ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và huyện Giao Thủy.

Tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo kết quả, kiểm tra hồ sơ minh chứng, 100% thành viên Hội đồng thẩm định Trung ương đã bỏ phiếu đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Mai Chiến - Phạm Thịnh