Cảnh sắc tuyệt đẹp của lòng hồ thủy điện Na HangCảnh sắc tuyệt đẹp của lòng hồ thủy điện Na Hang

Thiên nhiên đã ban tặng cho Na Hang nhiều tài nguyên quý báu, đặc biệt là tài nguyên rừng. Na Hang là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất tỉnh Tuyên Quang với 79%, rừng có giá trị về kinh tế, có ý nghĩa quan trọng việc phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang với trên 33.000 ha thuộc địa bàn xã Thanh Tương, Sơn Phú, Khau Tinh, Côn Lôn và thị trấn Na Hang, giáp với các xã của huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình và huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn).

Trong khu bảo tồn có trên 21.000 ha là rừng đặc dụng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có độ đa dạng sinh học cao. Theo thống kê, hệ động vật ở khu Bảo tồn rất đa dạng và phong phú về chủng loại, có 430 loài; có khoảng 294 loài chim rất phong phú về cá thể, có loài quý hiếm. Đặc biệt, đây là nơi sinh sống của 8 loài linh trưởng. Đây cũng là nơi giao lưu và hội tụ của nhiều luồng động, thực vật, với 1.162 loài thực vật bậc cao và là khu rừng có nguồn gen thực vật phong phú và tính đa dạng sinh học cao.

Đến Na Hang chắc chắn sẽ không ai bỏ lỡ cơ hội đi du thuyền trên lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây. Với diện tích hơn 8.000 ha, vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của lòng hồ thủy điện Tuyên Quang được ví với nhiều tên gọi mỹ miều: Hạ Long cạn, bức tranh thủy mặc...

Giữa không gian vùng hồ rộng lớn là sừng sững núi Pắc Tạ, ngọn núi cao nhất của huyện Na Hang có hình chú voi đang đứng bên nậm rượu. Xa chút nữa là núi Xa Tạ hay còn gọi là núi Côn Lôn. Câu chuyện truyền thuyết về núi Pắc Tạ kể về chú voi nghiện rượu có công đánh giặc và được vua phong là Voi quận công hóa đá. Chân núi Pắc Tạ có đền thờ vị thiếp của Tướng quân Trần Nhật Duật. Người dân nơi đây nói rằng, ngôi đền này rất thiêng và du khách khắp nơi thường đến nơi đây cầu nguyện.

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ có thể phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm như leo thác, cắm trại, khám phá rừng nguyên sinh, khám phá di tích lịch sử... Tất cả đang tạo nên lợi thế “vàng” để ngành “công nghiệp không khói” của huyện phát triển.

Na Hang ngoài sức hút của một vùng đất còn nguyên sơ với rừng nguyên sinh, thực vật phong phú là những giá trị văn hóa đặc trưng riêng của đồng bào Tày, Dao, Mông ... Người Na Hang đã tạo nên một kho tàng văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc, một vùng âm nhạc dân gian độc đáo.

Người Dao ở Na Hang nổi bật với nhiều lễ hội và phong tục cổ xưa như: Lễ cấp sắc, múa cầu mùa, hát Páo dung…người Tày tự hào với Hát Then, cọi, đánh đàn Tính, hát Phong Slư, cùng với đó là những lễ hội rất đặc sắc như: Lễ hội Lồng tông, lễ dâng tấm vải khô ướt, hát quan làng...Tất cả tạo nên một kho tàng văn hóa độc đáo và đặc biệt có sức hút với du khách gần, xa.

Lê Hoàn - Long Trần