Trụ sở UBND huyện Sông Lô
Trước đó, cuối năm 2016, Phòng GD&ĐT huyện Sông Lô đã tham mưu cho lãnh đạo huyện Sông Lô ký quyết định bổ nhiệm 7 phó hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn. Trong số đó, có 3 người được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng ở 3 trường THCS vẫn hưởng mức lương, chế độ phụ cấp như cũ.
Cụ thể, trường hợp của ông Nguyễn Văn Hiền - Phó hiệu trưởng Trường THCS Quang Yên; ông Nguyễn Huy Tùng - Phó hiệu trưởng Trường Trường THCS Lãng Công và ông Trần Thế Anh - Phó hiệu trưởng Trường THCS Đồng Thịnh.
Theo quy định hiện hành, đối với chức danh phó hiệu trưởng, thời gian giảng dạy là 4 tiết/tuần. Tuy nhiên, trường hợp của 3 phó hiệu trưởng trên thì hàng ngày vẫn thực hiện công tác giảng dạy bình thường như chưa từng được bổ nhiệm lãnh đạo.
Trao đổi với PV, ông Triệu Thứ Hiệp – chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Sông Lô cho biết: “Tháng 11/2016, đơn vị này có tham mưu cho lãnh đạo huyện Sông Lô ký quyết định bổ nhiệm 7 phó hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn. Việc bổ nhiệm được căn cứ trên tình hình thực tế là năm học 2017-2018 sẽ có một số cán bộ lãnh đạo ở các trường THCS trên địa bàn nghỉ hưu.
Chính vì tình hình thực tế như vậy nên chúng tôi đã thống nhất trình lãnh đạo ký bổ nhiệm 7 người này. Theo quy định, thẩm quyền bổ nhiệm lãnh đạo trường THCS thuộc UBND huyện Sông Lô”.
"Nguyên nhân dẫn đến việc 3 phó hiệu trưởng trên chưa được nâng lương và hưởng các chế độ quản lý theo quy định hiện hành là do, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc không duyệt quỹ tiền lương trong gần 1 năm qua", ông Hiệp nói thêm.
Được biết, vào thời điểm bổ nhiệm 7 phó hiệu trưởng trên, ông Đỗ Ngọc Cơ là người được giao phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Sông Lô. Hiện nay, ông Cơ giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND huyện Sông Lô.
Việc bổ nhiệm cán bộ trong ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc, đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Trước đó, Kiểm toán Nhà nước phát hiện trong 46 công chức hiện nay của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, có tới 38 người làm lãnh đạo từ ban giám đốc tới các phòng, ban.
PV