Bà Kristalina Georgieva phân tích: Thế giới sẽ mất 1,5% GDP chỉ vì các nước chia rẽ thành hai khối thương mại. Tổn thất tiềm tàng này có thể còn nghiêm trọng hơn đối với Châu Á do khu vực này hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh, các nước Châu Á cần phải cùng nhau vượt qua tình trạng phân mảnh để duy trì tăng trưởng, đặc biệt là trước các cú sốc kinh tế đến từ COVID-19 và chi phí sinh hoạt gia tăng.
Tuy nhiên, bà Georgieva cho biết, các quốc gia ở Châu Á ngày này được trang bị tốt hơn nhiều để đối mặt với những cú sốc kinh tế nhờ vào nguồn dự trữ ngoại hối đáng kể và sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.
Về nguy cơ gia tăng nợ công ở các nước đang phát triển, bà Georgieva nhận xét: IMF "chưa hoảng hốt nhưng đã cảnh giác". Khoảng 25% các thị trường mới nổi đang ở trong tình trạng rủi ro cao về nguy cơ vỡ nợ, trong khi 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang hoặc gần kiệt quệ nợ nần. Bà khuyến khích các quốc gia đang gặp khó khăn do chi phí trả nợ bằng đô la ngày càng tăng và môi trường kinh tế toàn cầu nên hành động trước và tìm kiếm sự giúp đỡ sớm từ IMF.
Tháng trước, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm tới xuống 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3,8% trong dự đoán vào tháng 01/2022. IMF dự báo xác suất 25% rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ dưới 2%.
Tính toán của IMF cho thấy, khoảng 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ có ít nhất hai quý liên tiếp bị thu hẹp trong năm nay và năm tới và sản lượng bị mất cho đến năm 2026 sẽ là 4.000 tỷ USD.
Bà Georgieva chỉ ra những khó khăn đặc biệt mà Liên minh Châu Âu phải đối mặt vì cuộc chiến ở Ukraine, điều này có thể gây áp lực lên các ngân hàng trung ương của khu vực để đảo ngược nỗ lực giải quyết lạm phát.
Công Huy (t/h)