Tổng duyệt lễ khai mạc Asiad 18
Để chuẩn bị cho Asiad thứ hai mà xứ sở vạn đảo làm chủ nhà lần này, nhà nước Indonesia đã bỏ ra nhiều triệu USD đại trùng tu lại và hoàn thành mấy tháng trước. Sân Bung Karno có sức chứa khoảng 100.000 người, trong đó có 80.000 ghế ngồi.
Đây là sân nhà của các đội tuyển bóng đá Indonesia và cũng là sân nhà của CLB Persija Jakarta. Với Asiad 18, sân Bung Karno là nơi diễn ra các nội dung điền kinh, bóng đá bán kết, chung kết, lễ khai mạc, bế mạc…
Sau gần 1,5 tháng đi qua khắp mọi miền đất nước, ngọn lửa rước từ vùng đất thiêng ở Ấn Độ về được diễu hành rất hoành tráng, có khi các VĐV lặn của Indonesia mang đi… dưới nước, lúc thì trên đường bộ, lúc băng đồng, khi bay lơ lửng bằng dù lượn do các VĐV dù lượn Indonesia đảm nhiệm. Ngọn đuốc di chuyển trên đất liền do các nhà vô địch châu lục, vô địch Olympic của Indonesia vinh dự mang đi.
Theo ban tổ chức ASIAD, đây sẽ là một trong những buổi lễ khai màn hoành tráng nhất trong lịch sử các kỳ đại hội thể thao từ trước tới nay trên thế giới.
Ông Wishnutama, Giám đốc phụ trách sáng tạo của lễ khai mạc đã khẳng định điều này. Trả lời tờ Industry.co của Indonesia, ông cho hay: “Sân khấu của lễ khai mạc sẽ là sân khấu lớn nhất thế giới, thậm chí có thể so sánh với sân khấu của bất cứ một kỳ Olympic nào.
Mô phỏng sân khấu hình ngọn núi tại lễ khai mạc ASIAD sắp tới
Theo ông Wishnutama, sẽ có tới 10.000 người tham gia vào lễ khai mạc, và việc có quá nhiều người trình diễn khiến ban tổ chức không thể sắp xếp được nơi tập luyện. Họ được chia về 18 địa điểm khác nhau, sau đó sẽ được khớp lại trước thời điểm lễ khai mạc diễn ra.
Ông Wishnutama không hề nói suông. Thực tế, sân khấu tổ chức lễ khai mạc ASIAD 18 được liệt vào danh sách lớn nhất và thậm chí là cao nhất thế giới. Một ngọn núi nhân tạo đã được ban tổ chức xây dựng ngay trong sân vận động Bung Karno. Quả núi nhân tạo này nặng tới 600 tấn, dài 135 m, rộng 30 m và cao 26 m.
Theo những nhà tổ chức, mục đích của “quả núi” này là để nước chủ nhà Indonesia giới thiệu tới bạn bè thế giới sự kỳ vĩ của thiên nhiên xứ vạn đảo cùng văn hóa đa dạng nơi đây. Để cấu thành “tác phẩm” này, 12.775 cây và hoa đã được sử dụng, đặt trên một diện tích cỏ lên tới 3 km vuông. 140.000 lít nước sẽ được sử dụng để mô phỏng những con thác tại Indonesia.
“Quả núi” này được dự báo sẽ còn lung linh hơn với hệ thống máy chiếu và đèn “khủng”. Bên trong núi sẽ là hệ thống đường ngầm để các diễn viên có thể dễ dàng di chuyển.
Theo người dân Indonesia, ngọn núi thực sự là niềm tự hào của nước chủ nhà. Hơn 350 nhân công đã tham gia vào quá trình xây dựng ngọn núi kể trên và phải mất tới 3 tháng để hoàn thành nó - hạng mục chỉ sử dụng cho duy nhất buổi lễ khai mạc kéo dài 3 tiếng đồng hồ.
Nói về ngọn núi này, Wishnutama không khỏi tự hào: “Việc giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên và sự đa dạng văn hóa của Indonesia trong lễ khai mạc là rất quan trọng, từ đó củng cố thêm niềm tự hào và tình yêu khắp đất nước”.
Cũng theo ông Wanandi - Phó giám đốc điều hành ban tổ chức ASIAD thì tới nay, đã có 75 quốc gia và vùng lãnh thổ có bản quyền ASIAD 2018, qua đó khiến số người theo dõi trực tiếp lễ khai mạc có thể lên tới 1 tỷ người. Giá vé xem trực tiếp sự kiện cũng không hề rẻ, giao động từ 50 USD đến 342 USD.
Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 này có đến 16.000 VĐV, HLV, quan chức của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á về tham dự, là một con số kỷ lục. Đoàn chủ nhà dự thi đủ 40 môn thể thao với 1.300 VĐV, HLV tranh tài 463 bộ HCV. Indonesia nuôi mục tiêu 16 HCV để đứng trong tốp 8 toàn đoàn.
Các đoàn thể thao Đông Nam Á khác như Việt Nam chỉ nuôi mục tiêu ít nhất 3 HCV, đoàn Thái Lan đưa ra cái đích 17 HCV để đứng thứ sáu toàn đoàn, đoàn Malaysia mong đoạt 6 HCV…
Lê Đại