Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) mới đây thông báo mở thầu quốc tế mua 300.000 tấn gạo trong tháng Tư. Tính từ đầu năm, Indonesia đã nhập khẩu 650.000 tấn gạo và ký hợp đồng nhập khẩu thêm 350.000 tấn gạo cho năm 2024. Một nửa lượng nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam và phần còn lại từ Thái Lan, Pakistan và Campuchia.

Thị trường lúa gạo trong nước vừa đón thông tin tích cực khi Indonesia thông báo mở thầu nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo trong tháng 4/2024.
Thị trường lúa gạo trong nước vừa đón thông tin tích cực khi Indonesia thông báo mở thầu nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo trong tháng 4/2024.

Có thể thấy, Bulog đã tranh thủ Việt Nam đang thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân - vụ thu hoạch lớn nhất trong năm nên đã nhập một lượng lớn gạo với giá rất cạnh tranh.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đầu tuần này giá gạo từ các nguồn cung lớn đều giảm. Cụ thể, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan giảm 10 USD, xuống 571 USD/tấn; gạo cùng phẩm cấp của Pakistan cũng giảm 10 USD, còn 591 USD/tấn; gạo cùng loại của Việt Nam cũng giảm nhưng chỉ sụt nhẹ 1 USD, xuống 576 USD/tấn.

Ở phân khúc 25%, gạo Việt Nam giảm 4 USD hiện còn 554 USD/tấn; gạo Thái Lan giảm 10 USD, giá 526 USD/tấn; gạo Pakistan có giá 549 USD/tấn (giảm 5 USD).

Về nguyên nhân giá gạo toàn cầu tiếp tục giảm, theo VFA do yếu tố mùa vụ tại các nước xuất khẩu ở châu Á và đồng nội tệ giảm giá so với USD.

Cụ thể, tại Việt Nam, do vùng trồng lúa lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang trong chính vụ thu hoạch lúa Đông Xuân và đồng nội tệ giảm giá so với USD.

Còn ở Thái Lan, nhu cầu mới vắng mặt trong khi đó lượng lúa gạo hàng hóa về nhiều hơn bởi nước này đang trong thời điểm rộ vụ. Ngoài ra, giá gạo Thái Lan giảm mạnh còn do tác động từ đồng baht Thái suy yếu so với đồng USD. “Đây là những nhân tố chính gây áp lực giảm giá lên nguồn cung của Thái Lan”- báo cáo của VFA cho biết.

Còn Pakistan, giá nội địa và giá chào gạo các loại đều đi xuống do áp lực giảm giá chung từ các nguồn cung lớn trong khu vực.

Được biết, trong đợt công bố thầu hồi cuối tháng 3/2024 của Bulog, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 108.000 tấn gạo. Kết quả này ngay sau đó được cho là đã tác động tích cực lên thị trường lúa gạo trong nước, đẩy giá tăng đáng kể. Do đó nếu đợt mở thầu 300.000 tấn gạo lần này doanh nghiệp Việt Nam thắng thầu với số lượng lớn thì chắc chắn giá gạo trong nước sẽ tăng lên bởi Việt Nam hiện vào cuối vụ thu hoạch nguồn cung không còn dồi dào như trước và có thể khó mua được hàng.

Phương Thảo (t/h)