Interpol cảnh báo làn sóng dược phẩm giả chống COVID-19 trên toàn cầu (ảnh minh họa)
Theo ông Stock, việc buôn bán bất hợp pháp dược phẩm giả sẽ tăng lên khi một loại thuốc cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc điều trị hoặc làm giảm tình trạng bệnh. Điều này cũng tương tự như đối với các vật tư y tế giả, trong đó có khẩu trang hoặc chất khử trùng.
Tổng Thư ký Interpol cảnh báo, nguy cơ tiếp tục có làn sóng lớn trên quy mô toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất vaccine. Theo ông Stock, tội phạm nhanh chóng thích nghi với diễn biến của dịch COVID-19, trong đó chúng lợi dụng sự lo lắng, sợ hãi và khó khăn của mọi người để lần ra các hoạt động tội phạm, đặc biệt trong lĩnh vực y tế.
Các tổ chức tội phạm có tổ chức ở châu Á hiện đang cố gắng thâm nhập thị trường này. Chúng tự hạ thấp giá cả, không tuân thủ các quy định liên quan và tìm mọi cách để thâm nhập vào nền kinh tế hợp pháp. Theo Interpol, nguy cơ này cũng có thể trở thành vấn đề lớn đối với các khu vực khác trên thế giới.
Liên quan tiến trình phát triển vaccine ở Đức, Bộ trưởng Nghiên cứu liên bang Đức Anja Karliczek cùng ngày nhấn mạnh, vaccine chống COVID-19 chỉ có thể được hoàn thiện vào giữa năm 2021. Bà Karliczek cũng cho biết Chính phủ liên bang đã thông qua chương trình đặc biệt để phát triển và sản xuất vaccine với tổng đầu tư lên tới 750 triệu euro. Chương trình này dựa trên hai trụ cột chính là mở rộng năng lực nghiên cứu để phát triển một loại vaccine hiệu quả và bảo đảm cho việc sản xuất ở Đức.
Hiện Công ty Biontech đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine và đây là công ty đầu tiên của Đức được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng với vaccine tiềm năng này.
Trước việc nhiều quốc gia bắt đầu dỡ bỏ tình trạng phong tỏa, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề nghị chính quyền và người dân các nước “cần hết sức cảnh giác”.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh Đức ghi nhận sự gia tăng các ca nhiễm mới còn tại Hàn Quốc cũng chứng kiến sự bùng phát dịch trong các hộp đêm.
Tính đến 6 giờ sáng 12/5, thế giới đã ghi nhận 4.246.795 ca nhiễm Covid-19, trong đó 286.740 người đã tử vong. Số người hồi phục là 1.522.034 người.
Trong đó, ghi nhận tại châu Âu: Nga đã vượt qua Italia và Anh, trở thành nước đứng thứ ba trên thế giới về số ca nhiễm Covid-19 (sau Mỹ và Tây Ban Nha). Với 11.656 ca nhiễm mới, nước này hiện ghi nhận tới 221.344 người nhiễm vi rút SARS-CoV- 2.
Mặc dù số ca nhiễm mới không nhiều (chỉ 453 trường hợp trong 24 giờ qua), Pháp cũng tuyên bố có thể đảo ngược việc nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc nếu dịch bệnh có xu hướng gia tăng trở lại. Nước này hiện có 177.423 người nhiễm Covid-19.
Cơ quan Thống kê Italia (Istat) cho biết, sản lượng công nghiệp của nước này đã giảm gần 30% trong tháng 3 khi nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa theo lệnh của chính phủ nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Tại châu Á: Ghi nhận tại Nhật Bản, kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đa số người dân nước này ủng hộ quyết định của Thủ tướng Abe Shinzo gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc đến cuối tháng 5 trong khi chỉ có 2,6% số người được hỏi khẳng định không ủng hộ. Nước này hiện có 15.777 trường hợp nhiễm Covid-19.
Thủ tướng A.Shinzo cho biết, Nhật Bản sẽ nhanh chóng triển khai bổ sung các biện pháp kích thích kinh tế. Dự kiến, chính phủ nước này sẽ lập ngân sách bổ sung thứ hai và đưa ra Quốc hội để thông qua trong kỳ họp hiện tại dự kiến kết thúc ngày 17/6.
Hàn Quốc đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ khẩn cấp cho người dân để khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra. Để nhận tiền hỗ trợ bằng thẻ tín dụng hay thẻ tiền mặt, trước tiên người dân phải đăng ký bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc trang web của các công ty phát hành thẻ hỗ trợ đăng ký nhận tiền. Tiếp đó, chủ các hộ gia đình phải đăng ký nhận hỗ trợ khẩn cấp. Tiền hỗ trợ sẽ được chuyển tới chủ thẻ hai ngày sau khi đăng ký.
Tại Đông Nam Á, dù tình hình có chiều hướng tốt lên, song một số nước như: Singapore, Indonesia, Philippines... vẫn ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Hiện tại, Singapore có 23.822 ca nhiễm (tăng 486 trường hợp).
Indonesia có 14.265 ca nhiễm (tăng 233 trường hợp). Philippines có thêm 292 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại đây lên 11.086 người.
Châu Mỹ: Nước Mỹ vẫn dẫn đầu về số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, với 1.383.232 trường hợp (15.594 ca nhiễm mới). Thống đốc bang New York Andrew Cuomo tuyên bố cho phép 3 khu vực nông thôn phía Bắc của bang mở cửa hoạt động lại vào cuối tuần này. Tuy nhiên, trước mắt sẽ chỉ có ngành xây dựng, sản xuất và bán lẻ được phép hoạt động.
Số ca nhiễm mới tại Brazil tiếp tục tăng mạnh với 3.463 trường hợp trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 tại quốc gia Nam Mỹ này lên 166.162 người.
Châu Phi: Đã ghi nhận 67.160 người nhiễm Covid-19 (tăng 637 người). Trong bối cảnh số ca nhiễm vẫn tăng từng ngày, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo số người chết vì các bệnh liên quan tới AIDS ở khu vực hạ Sahara có thể tăng gấp đôi, tức tăng thêm nửa triệu người trong năm 2021, nếu những nỗ lực chống lại Covid-19 thất bại.
Theo ước tính, khu vực này hiện có khoảng 25,7 triệu người đang sống chung với HIV và 16,4 triệu người (64%) đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút.
Nguyễn Kiên (T/h)