Lực lượng an ninh Iraq ngày 10/5 đã tham gia bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử Quốc hội của nước này
Trong một tuyên bố ngày 10/6, Chủ tịch Quốc hội al-Jabouri cho rằng "hành động đốt các thùng phiếu chứa phiếu bầu trong nhà kho tại khu vực al-Rusafa, Baghdad, là một hành động cố ý, có kế hoạch nhằm mục đích che giấu hành vi gian lận và không trung thực trong bầu cử, lừa dối người dân Iraq, cũng như nhằm thay đổi nguyện vọng và sự lựa chọn của cử tri."
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi tiến hành bầu cử lại", đồng thời hối thúc đưa những kẻ chủ mưu hành vi trên ra công lý. Theo kết quả cuộc bầu cử vừa qua, ông al-Jabouri đã bị mất ghế trong Quốc hội Iraq.
Trước đó cùng ngày, hỏa hoạn đã bùng lên tại nhà kho chứa phiếu bầu lớn nhất nước này, nơi lưu trữ các lá phiếu của quận al-Rusafa, phía Đông thủ đô Baghdad. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Iraq đang chuẩn bị kiểm lại bằng tay khoảng 10 triệu phiếu bầu sau khi có cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử ngày 12/5 vừa qua.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Iraq nêu rõ lửa đã thiêu hủy một số giấy tờ và thiết bị, song lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực ngăn lửa lan sang khu vực đặt các hòm phiếu.
Trong khi đó, Thiếu tướng Saad Maan cho hay nhà kho được chia thành 4 khu vực và mới chỉ có khu vực chứa thiết bị điện tử và giấy tờ bị thiêu trụi.
Hiện giới chức Iraq chưa đưa ra kết luận chính thức về vụ cháy nêu trên là do tai nạn hay cố tình. Tuy nhiên, vụ việc đang gây thêm căng thẳng tại Iraq sau khi kết quả bầu cử Quốc hội nước này được công bố.
Ngày 6/6 vừa qua, Quốc hội Iraq đã ra quyết định kiểm lại toàn bộ phiếu bầu trong cuộc bầu cử quốc hội tháng trước.
Quyết định bất ngờ trên được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi trình Quốc hội một báo cáo của chính phủ cho rằng có “những vi phạm nguy hiểm” trong cuộc bầu cử, đồng thời khuyến nghị kiểm phiếu lại bằng tay một phần số phiếu của cuộc bầu cử nêu trên.
Quốc hội đã thông qua khuyến nghị, đồng thời chỉ định 9 thẩm phán điều hành ủy ban bầu cử.
Theo kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua, Liên minh al-Sa'iroon (Hướng tới Cải cách) của giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr nhận được 54 ghế trong Quốc hội gồm 329 ghế.
Đứng thứ hai là Liên minh al-Fath (Chinh phục) của ông Hadi al-Ameri, thủ lĩnh lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi của người Hồi giáo Shiite từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq, giành 47 ghế.
Liên minh của Thủ tướng Abadi chỉ nhận được 42 ghế. Dù liên minh của ông Sadr nhận được nhiều ghế nhất nhưng chưa đủ đa số để thành lập chính phủ, do đó phải đàm phán liên minh với các đảng khác để tập hợp được ít nhất 166 ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa được Tòa án Tối cao Iraq thông qua.
Cơ quan chức năng đã mở cuộc điều tra liên quan tới cuộc bầu cử quốc hội sau khi các cơ quan tình báo phát hiện các máy bỏ phiếu được đưa vào sử dụng có thể bị xâm nhập bất hợp pháp để chỉnh sửa kết quả bầu cử.
PV