Tại phiên phiên toàn thể chiều 18/09 của Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế.

Dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước năm 2023, Thứ trưởng nêu rõ, trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV/2022 và năm 2023; xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 nhưng cũng đồng thời hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới - WB dự báo GDP của Việt Nam tăng 7,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023. IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 7% (tăng so với mức dự báo 6% tại thời điểm 16/05/2022), năm 2023 là 6,7% (giảm so với mức dự báo 7,2% vào thời điểm 16/05/2022), Thứ trưởng thông tin.

Theo Thứ trưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; nguồn vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh giải ngân. Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, là cơ sở tích cực cho tăng trưởng và phát triển.

Tuy nhiên, với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là rất lớn. Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại phiên toàn thể buổi chiều ngày 18/09. Ảnh Quochoi.vn
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại phiên toàn thể buổi chiều ngày 18/09. Ảnh Quochoi.vn.

Một số nội dung chủ yếu về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 cũng được ông Trần Quốc Phương báo cáo tại diễn đàn.

Thứ trưởng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, xây dựng Kế hoạch năm 2023.

Kế hoạch này dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển trong cả giai đoạn 2021-2025, dự báo khả năng đạt được năm 2022, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ và phát triển lao động - việc làm, phát triển các lĩnh vực xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống người dân.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2022 và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, Thứ trưởng cho hay.

 Thứ trưởng nêu rõ, cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng yếu thế để ổn định và nâng cao đời sống; tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

"Trong tổ chức thực hiện, cần theo dõi sát tình hình, chủ động trong công tác dự báo, tham mưu, điều hành; phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, điều hành giá và các chính sách vĩ mô khác. Phản ứng chính sách nhanh, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, kịp thời, tính đến độ trễ trong xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện và thời gian tác động của chính sách", ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Hải Dương (t/h)