Cùng với sự khác biệt về văn hóa, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, độ tuổi kết hôn tại các quốc gia cũng có sự chênh lệch đáng kể. Trang Quartz đã đưa ra những thống kê về độ tuổi kết hôn của người dân tại 56 quốc gia có dân số trên 5 triệu người, dựa trên số liệu của Liên Hợp Quốc. Theo kết quả được đưa ra, trong khi có 50% thanh niên Mỹ đã kết hôn ở tuổi 30 thì hơn 60% người Italy ở độ tuổi này vẫn đang "độc thân vui tính".
Bulgaria là nước có độ tuổi kết hôn trung bình cao nhất thế giới, trên 34 tuổi. Theo số liệu, trung bình tuổi kết hôn ở nữ giới nước này là 32,6 và cao hơn ở nam là 35,7. Trong danh sách này có tới 17 quốc gia có độ tuổi kết hôn trung bình trên 30 tuổi, như Hungary, Italy, Hà Lan, Na Uy, Đức, Đan Mạch...
Nước có độ tuổi kết hôn trung bình sớm nhất là Nigeria, chưa đến 21 tuổi. Nữ giới nước này thường cưới sớm, khoảng 17 tuổi, còn tuổi nam giới lập gia đình cao hơn hẳn, khoảng 24. Độ tuổi kết hôn được cho là có mối tương quan nhất định với sự phát triển kinh tế. Người dân tại các nước nghèo như Lào hay Ma Rốc thường quyết định lập gia đình sớm hơn ở những nước giàu có như Na Uy, Singapore.
Theo số liệu thống kê, khi một quốc gia có kinh tế phát triển sẽ kéo theo độ tuổi kết hôn của người dân tại đó tăng cao. Ví dụ, tuổi kết hôn trung bình của Trung Quốc năm 1990 là 22 ở nữ và 24 ở nam. Đến năm 2016, khi nước này giàu có hơn, tuổi kết hôn trung bình đã tăng lên 25 đối với nữ và 27 đối với nam. Năm 2018, độ tuổi tiến tới hôn nhân lần đầu ở Mỹ chạm ngưỡng gần 30 (29,8 đối với nam và 27,8 đối với nữ). Con số đã tăng thêm 5 năm so với số liệu năm 1980, khi mức tuổi trung bình là 24,7 đối với nam và 22 đối với nữ.
Sự phát triển kinh tế không chỉ kéo cao độ tuổi kết hôn mà còn làm giảm mức chênh lệch độ tuổi lập gia đình giữa nam và nữ. Chênh lệch tuổi kết hôn trung bình tại các quốc gia phát triển như Nhật, Mỹ, Australia là 2 tuổi. Trong khi đó, con số này ở các nước nghèo như Cameroon hay Ma Rốc là 5-6 tuổi.
Tuy nhiên sự chênh lệch kinh tế không giải thích cho mọi vấn đề về hôn nhân của các quốc gia. Điển hình, Hà Lan và Áo có mức GDP ngang nhau nhưng người dân Hà Lan lập gia đình sớm hơn người Áo 5 năm. Các nghiên cứu về nhân khẩu học cho thấy ngoài thu nhập, nhiều yếu tố khác như trình độ học vấn, cách biệt giữa thành thị và nông thôn cũng ảnh hưởng lớn tới độ tuổi kết hôn.
Những áp lực lớn về chi phí đám cưới, việc sinh con và chăm sóc gia đình cũng là nguyên nhân khiến người trẻ nhiều nước e ngại việc thành gia lập thất. Những năm gần đây, tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc sụt giảm khi các cặp đôi chịu áp lực từ gia đình và phải gánh chi phí gần 200.000 USD để mua nhà và làm đám cưới.
Theo Zing.vn